CON CÁI THỨC TỈNH CHA MẸ NHƯ THẾ NÀO?

Bất chấp mục đích cao quý của ta, bởi vì vẫn nuôi dạy con theo cách ta từng được dưỡng dục, dấu ấn ấu thơ của ta vẫn tái hiện trên con. Tôi xin lấy ví dụ minh họa bằng trường hợp của một người mẹ và con gái mà tôi tư vấn.

Jessica vẫn luôn là một học sinh ngoan và là đứa con lý tưởng cho đến năm 14 tuổi. Trong hai năm tiếp theo, cô bé trở thành cơn ác mộng của mẹ. Nói dối, trộm cắp, đi vũ trường và hút thuốc, cô bé trở nên thô lỗ, chống đối và thậm chí bạo lực. Anya thấy bất an khi ở cạnh đứa con có tâm trạng thay đổi theo từng phút. Không kìm chế được cảm xúc, cô nổi cơn thịnh nộ, la hét, chửi bới, thóa mạ con bằng những lời độc địa nhất.

Anya hiểu hành vi của Jessica không đến mức phải chịu cơn bùng nổ như thế, nhưng cô không thể kiềm chế được cơn giận và cũng không hiểu nó từ đâu đến. Vì nghĩ rằng mình kém cỏi, bạc nhược, cô không thể mang lại cho Jessica sự kết nối mà cô bé cần có.

Chuyện gì đến cũng phải đến, Jessica thú nhận với tư vấn viên ở trường rằng cô bé bắt đầu tự vạch tay mình.

Khi phát hiện ra, Anya cầu cứu tôi giúp đỡ. “Cứ như là tôi lại trở về năm 6 tuổi”, cô chia sẻ. “Khi bị con hét vào mặt, tôi cảm thấy hệt nhưng khi bị mẹ la hồi bé. Khi bị con đóng sầm cửa và bị cách ly khỏi thế giới của con, tôi cảm thấy như mình bị phạt vì làm điều gì đó sai. Điều khác biệt là hồi xưa tôi không thể phản kháng với bố mẹ, còn giờ thì tôi không thể ngừng chửi mắng. Mỗi lần con làm tôi có cảm giác giống như khi bố mẹ đã gây ra cho tôi, cả thế giới xung quanh dường như sụp đổ và tôi thấy mình phát điên”.

Cách duy nhất để giải mã tiềm thức mà con gái của Anya đã khấy động lên là xem xét lại quá khứ, đặc biệt là gia đình nơi cô đã lớn lên. Bố của Anya tính tình lạnh lùng, khô khan, khiến cô luôn thèm khát tình cảm. Mẹ cô “chẳng bao giờ ở bên”, Anya giải thích. “Kể cả khi ở bên mẹ cô vẫn có cảm giác như mà không ở đó. Dù mới chỉ 7-8 tuổi, tôi đã bắt đầu biết cô đơn.”

Sự cô đơn và thiếu thốn tình cảm từ bố mẹ đến nỗi Anya quyết định tự tạo cho mình một nhân cách mới. “Tôi quyết định sẽ cư xử hệt như mẹ, để bố yêu tôi nhiều hơn yêu mẹ”. Đặc điểm nổi bật nhất của mẹ Anya là bà luôn ngăn nắp, ăn vận đẹp đẽ. “Chỉ sau một đêm tôi đã lột xác từ cô gái thành một người đàn bà trưởng thành”, Anya nhớ lại. “Tôi tập thể dục điên cuồng và lao vào học hành xuất sắc.”

Thật chẳng may, cho dù cố gắng đến đâu, Anya cũng không xứng đáng đối với người cha già khó tính. Một sự cố đặc biệt đến đã tạo ra bước ngoặt đời cô. Theo lời kể của Anya: “Tôi nhớ một hôm bố nổi giận vì tôi không ngồi yên khi làm bài tập về nhà. Vốn bản tính lầm lì, ông chẳng nói chẳng rằng lôi tôi ra góc nhà, bắt tôi quỳ gối trên sàn và giơ hai tay lên trời. Tôi đã quỳ và giơ tay như thế suốt hai tiếng đồng hồ. Trong thời gian đó, bố chẳng thèm nói một lời nào. Mẹ cũng không dám hé răng. Không ai ngó ngàng đến tôi. Tôi nghĩ cảm giác bị lờ đi còn đau đớn hơn cả hình phạt. Tôi khóc lóc van xin tha thứ nhưng chẳng ai thèm đếm xỉa. Sau 2 giờ đồng hồ, bố mới cho phép tôi đứng dậy để học bài. Kể từ ngày hôm đó, tôi thề sẽ không bao giờ để gặp rắc rối nữa. Tôi nén buồn bực vào lòng và trốn sâu dưới nhiều tầng hờn tuổi.”

Anya đã huấn luyện Jessica thành rô-bốt của riêng mình, hệt như hồi cô học cách trở thành đứa con “hoàn hảo”: vô cảm, ngoan ngoãn, dễ bảo và chỉn chu. Tuy nhiên, với cá tính hoàn toàn khác biệt, Jessica chỉ vâng lời mẹ khi còn bé. Khi đến tuổi dậy thì, cô bé lập tức nổi loạn. Quả lắc cảm xúc chẳng biết đâu là điểm cân bằng bây giờ bị kéo dạt sang một bên. Jessica càng nổi loạn bao nhiêu, Anya càng khắt khe bấy nhiêu. Cuối cùng, Jessica sụp đổ. Và việc rạch tay diễn ra.

Nhìn vào hành vi của con, Anya chỉ thấy những vết thương của mình ngày xưa, được gây ra bởi sự nóng giận, chối bỏ và khinh miệt của bố mẹ. Đối với Anya, sự nổi loạn của Jessica không phải là lời cầu cứu giúp đỡ mà chỉ phủ định vai trò là mẹ của cô. Điều đó làm Anya nhớ lại cảm giác vô giá trị mà bố mẹ đã tạo ra cho mình hồi còn bé. Điều khác biệt duy nhất là bây giờ Anya phản ứng quyết liệt với tình thế chứ không biến mình thành “con ngoan trò giỏi” như những năm xưa ở cùng bố mẹ mẹ. Bi kịch nằm ở chỗ cô phản ứng không đúng đối tượng.

Anya không hề biết rằng nếu xem xét trong hoàn cảnh nuôi dưỡng khắt khe như thế, con gái cư xử như thế là điều đương nhiên. Cô không thể nhận ra điều Jessica đang muốn nói, “Đừng đánh đố con nữa. Hãy tỉnh dậy và thừa nhận con là một bản thể riêng có những nhu cầu hoàn toàn khác mẹ. Con không thể chỉ biết vâng lời mẹ nữa.”

Jessica thật sự đang cầu xin sự giải thoát mà Anya chưa bao giờ có được. Bé bị ấn vào tay lá cờ xung phong trong cuộc chiến chưa thành của mẹ. Tuy là đứa trẻ “hư” trong mắt tất cả mọi người, Jessica thật ra đã hoàn thành sứ mệnh của một đứa con là kích hoạt là khoảng thời gian quá khứ mà mẹ cô đã trốn tránh. Hành vi chống đối xã hội của bé khiến mẹ giải tỏa được những cảm xúc đã bị giới hạn trong tâm hồn suốt nhiều thập kỷ.

Trên hành trình trở thành người cha mẹ tỉnh thức, “thói hư tật xấu” của Jessica trở nên rất hữu ích với mẹ, là cơ hội để Anya suy ngẫm lại những tủi hờn và đau đớn của tuổi thơ. Nhờ vậy, cuối cùng Anya đã thôi kiềm chế việc la hét và giải phóng hết những cảm xúc tiêu cực. Theo nghĩa đó mới thấy con cái thật sự rộng lượng, sẵn sàng trở thành chỗ chứa để ta giải phóng những cảm xúc lệch lạc của mình. Chính sự chùn bước trước tự do của ta tạo ra ảo tưởng rằng con mình “hư” hay là tư tưởng không đúng mực.

Nếu hiểu rằng hành vi của con là lời nhắc nhở cho sự tỉnh thức của mình, ta mới có thể nhìn nhận khác đi đối với cơ hội mà con mang tới. Thay vì nổi sung với con, ta chú ý quan sát nội tâm mình và tự hỏi tại sao ta nổi nóng. Mỗi lần từ đặt câu hỏi như thế, ta mở cửa để sự tỉnh thức trỗi dậy.

Chỉ khi Anya suy xét lại thời thơ ấu và giải tỏa cơn tức giận đối với bố mẹ thì cô mới có thể buông tha cho con gái khỏi cái bẫy “hoàn hảo” mà cô đã bị kẹt suốt cuộc đời. Khi quá trình tự giải thoát cho mình bắt đầu, cô lần lượt rũ bỏ từng lớp vỏ giả tạo đã khoác lên, dần dần trở thành con người tươi tắn, vui vẻ, thoải mái tràn đầy niềm vui. Lời xin lỗi của mẹ vì vô tình đặt gánh nặng lên vai con đã giúp Jessica tự hàn gắn vết thương. Cả mẹ và con đã có thể giúp nhau trở lại là những tâm hồn cao đẹp.

Điều mâu thuẫn là mặc dù quá khứ ảnh hưởng lên ta theo những cách sâu sắc nhất, nhưng hiếm khi ta nhận ra điều đó. Vì vậy, con cái có năng lực giúp ta được tự do bởi ta cần có một người thân bên cạnh để phản chiếu những vết thương hằn in quá khứ.

– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –