Ta có cơ hội tự tạo ra ý nghĩa và mục đích khi đối mặt với những tình huống, những mối quan hệ không mong đợi. Tuy nhiên, điều kiện cần là niềm tin tuyệt đối rằng điều đang xảy ra về lâu dài sẽ có lợi cho ta. Trong mỗi tình huống, luôn có cơ hội tiềm ẩn để ta khám phá về bản thân mình và về thế giới. Điều đó đương nhiên gồm những cơ hội để ta kiên nhẫn, khiêm nhường và nhân ái hơn. Vì vậy, ta phải cùng con đặt những câu hỏi:
Trải nghiệm này giúp ta mở lòng như thế nào?
Ta cần làm gì để có thái độ buông bỏ trong trải nghiệm này?
Ta đang cố kháng cự, hay đang sợ hãi điều gì?
Ta có thể rút ra bài học gì để áp dụng cho trải nghiệm lần sau?
Con cái sẽ nhanh chóng bắt chước học hỏi khi ta biến những trải nghiệm thành những bài học phong phú và giàu ý nghĩa. Chúng hiểu rằng mình có thể hòa ái với mọi trải nghiệm và luôn có xác tín rằng mỗi sự kiện đều giúp chúng đến gần hơn với bản thể của mình.
Triết lý này giúp ta gửi đến con thông điệp rằng trong cuộc sống không cần phải quá e dè, sợ hãi bởi sự màu nhiệm luôn hàm chứa trong đủ loại hình hài, màu sắc. Ta giúp con bao dung với mọi tình huống thay vì phải phản ứng, phải đương đầu. Chúng trở thành những người đồng sáng tạo thân thiện, xem đời sống là bạn đồng hành chứ không phải là kẻ thù cần khuất phục.
Đời là người thầy, người soi đường, là người bạn đồng hành tâm linh. Ta có mặt ở đây để thấy rõ và chuyển hóa sự vô minh của mình. Vì vậy, quá khứ của ta tái sinh trong mỗi phút giây hiện tại; tương lai của ta được tự do bởi ta có thể buông bỏ được những vang bóng của quá khứ. Mỗi trải nghiệm xuất hiện để dạy ta hiểu thêm về chính mình. Khi thực tại trước mặt không được như ý, thay vì vội vàng phản ứng, ta tự nhủ, “Buông bỏ, buông xả, tự cách ly, theo dõi ý muốn của ta”. Vì là hình ảnh của nội tâm, suy nghĩ và cảm xúc cần được ta quan sát chứ không phải để phản ứng.
Ta tạo ra một kết nối với nội tâm trong từng khoảnh khắc. Ta chạm được vào sự bình yên khi ngồi yên tĩnh lặng một mình. Ta được dừng lại trước khi diễn giải sự kiện và phản ứng bằng sự suy diễn của mình. Những bài học của cuộc sống đôi khi đắt giá, nhưng ta bình thản ôm lấy chúng và tin tưởng rằng đó là những thời khắc cần thiết để trưởng thành. Ta biết ơn những khoảnh khắc đó thay vì chọn thích thú hay thù ghét. Khi nhìn thấy những điều giống ta tồn tại ở người đối diện, ta nhận ra sự tương tức giữa người với người, và tất cả chúng ta đều khát khao một kết nối bền vững hơn. Nhờ đó, ta trở nên khiêm nhường bởi ta hiểu rằng mình cũng giống những người khác, rằng khi phụng sự, ta đang phụng sự phần bản thế của mình. Cách tốt nhất để giúp đỡ người khác chính là thâm nhập nội tâm của mình.
Bài học quý giá nhất ta có thể dạy cho con: Cuộc đời là hành trình khám phá cái tôi tỉnh thức. Ta tặng cho con một món quà khi giúp con hiểu rằng chìa khóa của hạnh phúc nằm ở việc bao dung với mọi tình huống mà đời mang tới. Từ góc nhìn này, con sẽ luôn thân thiện với đời, hiểu rằng cho dù đôi khi có những bài học khó khăn, nhưng đời luôn có thiện chí. Khi thấy rằng mình có thể chuyển hóa mỗi trải nghiệm để lớn lên, con thấy đời luôn là người bạn đồng hành thân thiết trên hành trình đến sự tỉnh thức.
– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –