Khi còn nhỏ chúng ta được cha mẹ dạy tập thở, tập đi, tập ăn, tập nói. Đến khi ta tiếp nhận nếp sống tỉnh thức, ta như được sinh ra một lần thứ hai và phải bắt đầu tập lại. Ta lại phải tập thở, thở trong chánh niệm; tập đi, đi trong chánh niệm; tập ăn, ăn trong chánh niệm. Ta lại tập nghe, nghe trong chánh niệm, nghe với tâm từ bi. Ta lại tập nói, nói trong chánh niệm, nói với ngôn ngữ của yêu thương vì ta muốn giữ đúng lời phát nguyện ban đầu. “Em ơi, anh đang khổ, anh đang giận và anh muốn em biết cho anh điều đó.” Nói như vậy là giữ đúng lời phát nguyện. “Em ơi, anh sẽ cố gắng hết lòng. Anh sẽ chăm sóc tâm giận của anh, chăm sóc cho anh và cả cho em. Anh sẽ thực tập những gì mà anh học được của Thầy, của tăng thân.” Câu nói này sẽ làm cho người kia tâm phục và tin tưởng. Và câu nói sau cùng: “Em ơi, anh cần em giúp anh.” Đây là một lời tuyên bố mãnh liệt, bởi vì khi giận thì thường thường ta nói: “Tôi không cần ai!”
Xem thêm >>> CHỮA TRỊ EM BÉ THƯƠNG TÍCH TRONG TA
Nếu nói được ba câu ấy một cách thành thực, nếu ba câu nói phát xuất từ đáy lòng thì sẽ có một sự chuyển hoá nơi người kia. Chắc chắn là như vậy. Và nhờ cách hành xử đó mà ta sẽ khuyến khích được người kia cùng tu tập. Người kia sẽ tự nhủ: “Anh ấy còn chung thuỷ với mình, anh ấy giữ lời phát nguyện. Anh ấy đang cố gắng thì mình cũng phải cố gắng mới được.”
Vậy chăm sóc tự thân tức là chăm sóc người thương. Có khả năng thương mình mới có khả năng thương người khác. Nếu bạn không chăm sóc bản thân, không hạnh phúc, không an lạc thì làm sao bạn có thể làm cho người khác hạnh phúc, an lạc? Làm sao bạn có thể giúp đỡ người kia và có thể thương yêu? Khả năng thương yêu người khác hoàn toàn tuỳ thuộc vào khả năng thương yêu, chăm sóc chính bản thân bạn.
(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)