NÊN GIÚP, KHÔNG NÊN PHẠT

Một người không biết xử lý đau khổ của mình thường vung vãi đau khổ ra xung quanh. Mình khổ và làm người khác khổ. Thường thường là như vậy. Vì vậy cho nên phải học cách xử lý đau khổ để đừng có vung vãi đau khổ ra chung quanh.

Nếu là cha hay là mẹ thì bạn phải biết rằng hạnh phúc trong gia đình bạn là một điều rất quan trọng. Vì tình thương đối với những người thân mà bạn không muốn làm cho họ khổ lây khi bạn khổ. Bạn thực tập chăm sóc khổ đau là vì khổ đau của bạn không phải là một vấn đề của riêng bạn. Khổ đau không phải là một vấn đề cá nhân. Hạnh phúc cũng không phải là một vấn đề cá nhân.

Khi một người giận mà không biết cách chăm sóc cơn giận cho nên đau khổ, cô đơn rồi làm cho những người chung quanh cùng khổ. Thoạt đầu chúng ta nghĩ rằng người đó đáng bị trừng phạt vì người ấy làm cho ta khổ. Nhưng chỉ sau mươi, mười lăm phút thiền hành và quán chiếu, ta khám phá ra rằng người ấy cần được giúp đỡ hơn là trừng phạt. Đây là một tuệ giác tốt đẹp.

Người kia có thể là người rất thân của ta, là vợ hay chồng, hay là con cái của ta. Nếu chính ta không giúp được những người thương thì ai giúp họ bây giờ?

Xem thêm >>> CẮT ĐỨT VÒNG LUÂN HỒI SÂN HẬN

Vì biết ôm ấp cơn giận mà bạn sẽ thấy dễ chịu hơn, nhưng bạn nhận ra rằng người kia đang khổ. Nhờ thấy như vậy mà bạn có ý muốn đến với người ấy. Không ai giúp đỡ người ấy được, ngoại trừ bạn. Và bây giờ, trong lòng bạn tràn đầy ý muốn giúp đỡ. Đây là một ý tưởng hoàn toàn khác hẳn – ý muốn trừng phạt không còn nữa. Sân hận của bạn đã biến thành tình thương.

Thực tập Chánh Niệm đưa đến Định và Tuệ. Tuệ giác là hoa trái của sự thực tập. Nhờ đó mà bạn có khả năng thương yêu và tha thứ. Chỉ trong mười lăm phút hay nửa giờ, sự thực tập có thể giải phóng bạn ra khỏi tâm sân hận và biến bạn thành một người dễ thương. Đây là sức mạnh của giáo pháp. Đây là mầu nhiệm của tu tập.

(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *