ĐƯỢC NGƯỜI KHÁC NHÌN THẤY CHO CHÚNG TA CẢM GIÁC HIỆN DIỆN

Cảm giác hiện diện là cảm giác được nhìn thấy bởi những người quan trọng, hoặc được coi trọng bởi những người đặc biệt.

Tiền đề của việc nhìn thấy người khác là có thể đặt mình vào vị trí và suy nghĩ của người khác, thay vì nhìn người khác theo quan điểm của riêng bạn.

“Vô ngã” không có nghĩa là đánh mất cái tôi, mà là vào khoảnh khắc đó, chúng ta buông bỏ lòng tự ái tự cao của bản thân, để thực sự nhìn thấy sự tồn tại của đối phương và hiểu được cảm xúc của đối phương.

Nhìn thấy sự tồn tại của người khác mới có thể nhìn thấy trái tim của người khác. Trong nhiều trường hợp, những thứ được nhìn thấy không chỉ có vẻ ngoài của chúng ta mà còn là những gì chúng ta cảm nhận được trong trái tim mình.

Trong một gia đình, có thể “nhìn thấy” người thân cũng là một loại khả năng, mà khả năng này chỉ đạt được trong trạng thái “vô ngã”. Để làm được điều đó, ta phải phá bỏ lòng tự ái, phá bỏ lòng từ cao của mình, phá vỡ thái độ phản kháng, phá vỡ thái độ thù địch với người khác, đồng thời cần phải giải phóng cái tôi mong manh mà chúng ta đang bảo vệ.

Được người khác nhìn thấy khiến chúng ta cảm thấy:

  • Thứ nhất, trên thế giới này có những người kết nối với chúng ta, và chúng ta không đơn độc;
  • Thứ hai, chúng ta sẽ cảm thấy đặc biệt ấm áp, bởi vì những cảm xúc mà chúng ta không thể biểu đạt ra lại có thể được đối phương thấu hiểu;
  • Thứ ba, và quan trọng nhất, chúng ta có thể cảm thấy rằng chúng ta được hiểu. Được người khác thấu hiểu là một sự hài lòng vô điều kiện, một cảm giác hạnh phúc.

Một khách hàng của tác giả đã chia sẻ một câu chuyện như sau:

“Hồi học cấp hai, tôi được gửi đến nhà một người bạn của bố tôi trong khoảng 2 năm, với mục đích giúp tôi có thể thi vào một ngôi trường tốt hơn trong tương lai. Vì vậy, trong thời gian đó, tôi sống trong nhà người bạn của bố và chuyển đến một ngôi trường mới.

Tôi không giỏi kết bạn với người khác, và mọi thứ xung quanh đều xa lạ; đối mặt với gia đình, giáo viên và bạn học xa lạ, tôi cảm thấy vừa áp lực vừa lo lắng.

Khi đó, tôi thường xuyên vô tình gặp một cậu bạn ở lớp bên trên đường đi học.

Ngày thứ tư đi học, chúng tôi gặp lại nhau trên đường. Câu ấy chủ động tiến đến làm quen với tôi “Cậu là người mới chuyển đến nhỉ, cậu tên là gì? sau này chúng mình cùng nhau đi học được không? Cậu mới chuyển đến đây nên chắc thấy lạ lẫm lắm, để mình giới thiệu vài người bạn cho cậu nhé.”

Sự quan tâm của cậu ấy khiến tôi cảm thấy rất ấm áp.

Khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy như mình được nhìn thấu, bởi vì câu ấy nhìn thấy sự bất an của tôi trong môi trường xa lạ và sự cô đơn của tôi khi không giỏi trong việc chủ động tương tác với mọi người.

Trước khi được đưa đến chỗ ở mới, bố tôi đã yêu cầu người bạn kia phải nghiêm khắc với tôi về mọi mặt

Vì vậy, tôi không được an ủi khi kiểm tra không tốt, mà ngược lại, tôi chỉ nhận được sự trách mắng, chế giễu và đối xử nghiêm khắc hơn. Trong thời đại đó, nhiều bậc cha mẹ đối xử với con cái và giáo viên đối xử với học sinh bằng phương pháp “khích tướng” hoặc chế nhạo.

Cấp hai là thời kỳ phát triển thể chất quan trọng nên tôi luôn thèm ăn và ăn được rất nhiều, nhưng vì điều kiện gia đình không tốt lắm nên tôi thường xuyên ăn không đủ no. Hộp cơm trưa mang từ nhà đi của tôi lúc nào cũng chỉ có một món duy nhất. Cảm giác này giống như Lâm Đại Ngọc đã vào phủ nhà họ Giả, cho dù người khác đối xử tốt với cô, cô vẫn có cảm giác mình đang ở nhờ nhà người khác.

Thỉnh thoảng tôi sẽ viết thư cho bố mẹ để phàn nàn, nhưng mỗi lần đọc thư hồi âm của bố mình, tôi luôn cảm thấy đau lòng, ông luôn thúc ép hoặc yêu cầu tôi. Tôi chỉ có thể kìm nén mọi nỗi uất ức trong lòng, không biết tâm sự cùng ai.

Có lần, tôi buồn quá nên đạp xe về nhà bà nội. Bà nội rất thương tôi, từ nhỏ tôi đã ở với bà. Khi thấy tôi đi về, bà như cảm nhận được điều gì đó, câu đầu tiên bà nói với tôi là “Ôi, nhìn xem, cháu gầy rộc đi rồi, chắc là ở bên đó khổ lắm ” Tôi lập tức ôm chầm lấy bà nội rồi khóc nức nở.

Tôi cảm thấy bà nội rất hiểu tôi, bà đã nhìn thấy cảm xúc và nỗi uất ức của tôi.

–  Trích từ sách Nếu Thiếu Vắng Tình Thương Của Cha – tác giả Hồ Thận Chi –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *