Một khía cạnh nữa trong việc chấp nhận con người thật của con là chấp nhận hình ảnh người bố, người mẹ mà con cần.
Mức độ chấp nhận con cái hoàn toàn lệ thuộc vào mức độ chấp nhận bản thân ta – cả con người hiện tại và con người mà ta có tiềm năng trở thành. Rốt cuộc, làm sao con trở thành một người biết suy nghĩ tự do, có tâm hồn tự do nếu chính ta không phải là người như thế? Làm sao dạy con tự lập nếu chính ta không tự lập? Làm sao để nuôi dạy một con người khác, một tâm hồn khác, nếu chính ta bị mất phương hướng, nếu tâm hồn ta bí bách?
Có lẽ bạn sẽ thấy có ích khi tôi chia sẻ những khía cạnh tôi đã học cách chấp nhận bản thân tôi (có cả của tác giả và người biên soạn nội dung này):
Tôi chấp nhận rằng trước khi làm mẹ, tôi cũng là một con người.
Tôi chấp nhận rằng tôi cũng có những hạn chế và khuyết điểm, và đó là điều hoàn toàn bình thường.
Tôi chấp nhận rằng không phải lúc nào tôi cũng quyết định đúng đắn.
Tôi chấp nhận rằng tôi thường thấy hổ thẹn khi buộc phải thừa nhận thất bại.
Tôi chấp nhận rằng tôi thường mất cân bằng hơn con.
Tôi chấp nhận rằng có những thời điểm tôi ích kỷ và thiếu suy nghĩ khi tiếp xúc với con.
Tôi chấp nhận rằng thỉnh thoảng tôi cũng lộn xộn và cẩu thả.
Tôi chấp nhận rằng không phải lúc nào tôi cũng biết cách phản hồi con.
Tôi chấp nhận rằng có những lúc tôi nói hay làm những điều không phải với con.
Tôi chấp nhận rằng có những lúc tôi quá mệt đến mức không còn đủ tỉnh táo.
Tôi chấp nhận rằng có những lúc tôi quá bận để có mặt bên con.
Tôi chấp nhận rằng mình đang cố gắng hết sức và như thế vẫn là chưa đủ.
Tôi chấp nhận sự khiếm khuyết của bản thân mình và của cuộc đời mình.
Tôi chấp nhận ham muốn quyền lực và kiểm soát.
Tôi chấp nhận cái tôi của mình.
Tôi chấp nhận ham muốn được tỉnh thức (cho dù tôi thường tự làm hư bản thân khi gần đạt tới trạng thái này).
Tôi chấp nhận rằng tôi phải tập trung nhiều thời gian cho việc kiếm tiền và đôi khi không còn nhiều năng lượng sau khi làm việc để ngồi chơi cùng con.
Tôi chấp nhận rằng tôi đơn điệu.
Tôi chấp nhận rằng tôi thường hay phán xét người khác.
Ta chỉ không chấp nhận được con khi chúng gợi lại những vết thương trong lòng, đe dọa đến những thứ liên quan đến cái tôi mà ta còn níu kéo. Trừ khi trả lời được câu hỏi tại sao ta không thể chấp nhận con bằng chính con người của chúng, bằng không ta sẽ mãi mãi hoặc tìm cách nhào nặn, điều khiển và áp đặt con, hoặc để cho mình bị con áp đặt.
Cần hiểu rằng mỗi trở ngại ta gặp phải khi chấp nhận vô điều kiện con cái mình đều bắt nguồn từ điều kiện quá khứ của ta.
Một người phụ huynh không biết chấp nhận mọi khía cạnh của bản thân sẽ chẳng bao giờ biết chấp nhận con cái họ. Chấp nhận con đi liền với chấp nhận chính mình. Ta trân trọng bản thân được đến mức độ nào thì mới có thể trân trọng con đến mức độ đó.
Giả sử ta mang trong mình tâm lý “nạn nhân”, có thể ta sẽ tự an ủi mình, “Tôi chấp nhận rằng con tôi đang là và sẽ luôn luôn là đứa trẻ ngỗ ngược”. Đấy không phải là chấp nhận mà là đầu hàng. Ngược lại, nếu có tâm lý “chiến thắng” và tự nhủ, “Tôi chấp nhận rằng con tôi là thiên tài” cũng phải là chấp nhận mà là ngạo mạn.
Khi nhào nặn con cho vừa với những kỳ vọng của mình, ta chối bỏ con người của chúng, cũng có nghĩa là gieo những hạt giống của sự lệch lạc. Ngược lại, chấp nhận con người của con trong mọi hoàn cảnh mang lại cảm giác nhẹ nhõm và thanh thản trong lòng. Ta tập trung xây dựng tình yêu thương vì không còn vướng bận với nhu cầu kiểm soát. Vì không chọn điểm xuất phát là ảo tưởng của mình, mà chính là trạng thái hiện tại của con, ta có điều kiện giúp con định hình bản thân phù hợp với bản thân chúng.
Khi nói rằng: con người mà con “cảm thấy phù hợp với bản chất của chúng”, cần nhớ rằng đây là một trạng thái động. Ta thường quyên mất rằng con không phải là một chủ thể cố định, mà là một tâm hồn sống động luôn tự biến đổi, chuyển hóa. Nếu luôn nghĩ về mình một cách cứng nhắc mà không hiểu rằng chính mình cũng luôn biến chuyển, ta không tránh khỏi tình trạng tương tự trong cách tiếp cận con. Ta tự quyết con phải trở thành người thế nào, cái tôi đẻ ra cái tôi, và mối quan hệ với con bế tắc. Đó là lý do tại sao ta liên tục phạm sai lầm. Hầu hết chúng ta thậm chí không biết con mình ra sao trong hiện tại, chứ chưa nói đến việc tạo điều kiện để con thể hiện con người mới của mình trong mỗi khoảnh khắc.
Để thoát khỏi khuôn mẫu, ta phải thực sự chú tâm vào phút giây hiện tại và thực sự mở lòng khi tương tác với con. Ta cần tự hỏi bản thân, “Mình có thực sự hiểu rõ con? Mình có thể mỗi ngày mở lòng mình để hiểu rõ hơn về con?” Để làm được như thế, khi ở bên con, ta cần thực sự lắng nghe, gạt bỏ hết mọi điều gây xao nhãng và hướng con về với tâm thế tò mò, háo hức.
– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –
Xem thêm >>> THỔI BAY CÁI TÔI (PHẦN I)