ĐỪNG DẠY CON RẬP KHUÔN

Để chấp nhận con ta phải từ bỏ mô thức rập khuôn của xã hội và tiếp cận mỗi đứa trẻ như một đơn vị riêng biệt. Khi bắt được “sóng” của trẻ, ta sẽ nhận ra rằng thật ngờ nghệch khi cố đúc con theo “khuôn”. Ngược lại, mỗi đứa trẻ cần những điều rất khác nhau. Có em cần bố mẹ từ tốn và nhẹ nhàng, trong khi có những em cần bố mẹ quyết liệt – thậm chí “nói thẳng vào mặt”. Một khi đã chấp nhận bản chất của con, ta mới có thể mài dũa cách dạy con phù hợp với khí chất của trẻ. Như thế đồng nghĩa với việc từ bỏ hết những ảo tưởng rằng mình phải là người phụ huynh thế nào, đồng thời thay đổi để trở thành bậc cha mẹ mà đứa trẻ trước mặt ta cần có.

Trên thực tế, dạy con không khó bằng việc chấp nhận sự thật rằng đây là đứa con mà ta được ban tặng. Rào cản lớn nhất mà ta phải vượt qua thường không phải là thay đổi thực tại khách quan mà là điều chỉnh kỳ vọng của mình.

Đừng nhầm tưởng rằng chấp nhận con người thật của con nghĩa là ta thụ động cho phép chúng tiếp tục những hành vi tiềm ẩn rủi ro. Ta chấp nhận con người thật của con, trong trạng thái tự nhiên nhất. “Chấp nhận” là nền móng. Bước tiếp theo mới là điều chỉnh hành vi để con dần tiệm cận với bản thể của chúng.

Nếu con hành xử theo lối mà ta gọi là “hư”, với thái độ chống đối, ta cần phải kiên định. Nếu con “hư” vì không xử lý được những cảm xúc tiêu cực, ta cần phải thấu hiểu. Nếu con mè nheo và nũng nịu, có khi ta cần quan tâm và âu yếm, hay – nếu ta quá chú ý và làm con bớt tập trung – có thể ta cần giúp chúng học cách tự làm bản thân cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Nếu con cần yên tĩnh và sự riêng tư, ta cần cho chúng không gian và tôn trọng nhu cầu “cách ly” của chung. Nếu con quá huyên náo khi đến giờ làm bài tập về nhà, ta cần tiết chế con và hướng con vào trạng thái tập trung chú ý.

Chấp nhận con có thể là bất kỳ trường hợp nào sau đây:

Ta chấp nhận rằng con khác biệt.

Ta chấp nhận rằng con trầm tính.

Ta chấp nhận rằng con bướng bỉnh.

Ta chấp nhận rằng con cần thời gian để quen với người và môi trường lạ.

Ta chấp nhận rằng con thân thiện.

Ta chấp nhận rằng con dễ bị kích động.

Ta chấp nhận rằng con thích làm vừa lòng người khác.

Ta chấp nhận rằng con không thích thay đổi.

Ta chấp nhận rằng con sợ người lạ.

Ta chấp nhận rằng con có thể cư xử sai.

Ta chấp nhận rằng con mít ướt.

Ta chấp nhận rằng con nhẹ nhàng.

Ta chấp nhận rằng con nhút nhát.

Ta chấp nhận rằng con e thẹn.

Ta chấp nhận rằng con hống hách.

Ta chấp nhận rằng con khó bảo.

Ta chấp nhận rằng con là kẻ theo đuôi.

Ta chấp nhận rằng con nóng tính.

Ta chấp nhận rằng con học kém.

Ta chấp nhận rằng con không quyết tâm như trẻ khác.

Ta chấp nhận rằng con hay nói dối khi chịu áp lực.

Ta chấp nhận rằng con đồng bóng.

Ta chấp nhận rằng con không thể ngồi yên.

Ta chấp nhận rằng con có cách sống riêng.

Ta chấp nhận rằng con là một người riêng biệt.

Ta chấp nhận rằng để trưởng thành, con cần biên giới không gian riêng tư vững chắc.

**Khi tôi chấp nhận rằng con gái mình lanh lợi hơn những gì mình đã tưởng tượng, tôi mới thay đổi được cách tiếp xúc với con. Đã đến lúc xem con là cô gái thông minh chứ không phải là cô nàng Ngây Thơ mà tôi hằng mong ước. Thay vì phải trông chừng sau lưng, làm bản thân thêm khó chịu vì con chẳng cần giúp đỡ, tôi học cách suy nghĩ sâu sắc hơn. Giờ đây khi đã thừa nhận sự thông minh của con, tôi bắt đầu suy nghĩ trước con và giúp con tránh được việc quá tự kiêu vì sự thông minh của mình. Tôi cảm thấy biết ơn vì đã từ bỏ được ham muốn trở thành người phụ huynh trong tưởng tượng. Ngược lại, tôi trở thành người mẹ mà con gái tôi cần có.

– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –

Xem thêm >>> MỨC ĐỘ CHẤP NHẬN CON TƯƠNG ỨNG VỚI MỨC ĐỘ CHẤP NHẬN CHÍNH TA