CHÚNG TA HỌC ĐỂ BIẾT RÕ MÌNH THẬT SỰ LÀ AI?

Cuộc đời chúng ta trải qua hiện nay chỉ là một phần nhỏ của một đời sống kéo dài hàng trăm ngàn năm mà trong đó chúng ta học hỏi, thu thập kinh nghiệm để tiến tới sự hiểu biết thật sự. Đời sống là một trường học vĩ đại mà trong đó người ta học những gì cần phải học. Có người học rất nhanh qua những kinh nghiệm; và có những người không chịu học hay học chậm, do đó họ cứ phải học mãi. Trong trường đời này, đau khổ là bài học tốt nhất vì chỉ trong đau khổ người ta mới chịu học. Nếu quá dễ dàng sung sướng, ít ai học được gì cả.

Nhưng chúng ta phải học gì?

Chúng ta học để biết rõ mình thật sự là ai? Để biết mối liên hệ giữa chúng ta và những người khác. Để biết sự liên quan giữa chúng ta với vũ trụ. Để biết về những quy luật của sự sống và vũ trụ. Trong vũ trụ, có những quy luật bất biến, không bao giờ thay đổi nhưng không mấy ai để ý đến. Quy luật quan trọng chúng ta cần phải học là luật Luân hồi và Nhân quả.

Con người thực ra chỉ là những năng lượng trong vũ trụ. Những năng lượng này tạm gọi là “thực thể”, mặc dù cách gọi này không chính xác lắm. Thực thể sẽ hóa hiện trong các thân xác khác nhau, trải qua nhiều kiếp sống khác nhau, để học hỏi, lúc tái sinh thành người, lúc thành xúc vật, lúc thành các sinh vật ở các cõi giới khác để học những bài học mà họ được định phải học.

Vậy những thực thể này học như thế nào? Chúng học qua một quy luật gọi là luật Nhân quả. Luật này nói rằng mọi tư tưởng, lời nói hay hành động xuất phát từ thực thể sẽ tạo ra những kết quả, xấu hoặc tốt, trong tương lai, và kết quả này sẽ bắt buộc thực thể phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình. Cũng giống như một học sinh trải qua các kỳ thi, có khi học sinh thuộc bài và thi đậu nhưng có khi thi rớt và phải học lại cho đến khi học được bài học. Điều này đã được ghi rõ qua câu “Gieo giống nào, gặt giống đó” , hay “Trồng cam được cam, trồng ớt được ớt”, hay “Gây nhân nào, gặt quả nấy”.

Bất cứ một lực tác động nào cũng đều có phản lực tương ứng. Có khi phản lực xảy ra ngay, có khi nó tiềm ẩn và xảy ra vào lúc khác, có thể trong kiếp này, có thể trong kiếp sau.

Có những người tưởng mình đã học được điều gì đó, nhưng khi gặp đúng hoàn cảnh thích hợp thì thói quen, tính xấu trước lại nổi lên và hành động của họ không khác gì người xấu. Điều này có nghĩa là họ chưa nắm vững bài học trước đây và sẽ phải học lại, tư tưởng, lời nói và hành động của họ là nguyên nhân đưa đến sự đau khổ để buộc họ phải học. Người có lương tâm, trách nhiệm, biết lắng nghe và cảm thông với người khác thường là những thực thể đã học được bài học mà họ cần học. Họ đã trải qua nhiều kiếp, có kinh nghiệm học hỏi, nhờ vậy tính tình, tư tưởng và hành động của họ mới tốt đẹp như thế.

Tùy theo những tư tưởng và hành động mà thực thể đó làm, họ sẽ tái sinh vào những hình hài khác nhau chứ không phải lúc nào cũng đầu thai thành người. Kẻ hung dữ thường tái sinh thành con vật bị đánh đập tàn nhẫn để học bài học về sự đau khổ mà họ đã gây ra cho người khác. Dĩ nhiên khi phải trải qua nhiều kiếp sống bị đày đọa, họ mới ý thức được hậu quả việc làm của mình và chịu học.

Khi người này bắt đầu chịu học, mỗi khi học có hành động độc ác, tự nhiên có một cái gì đó thúc giục họ ngừng tay, ta gọi là tiếng nói của lương tâm. Tiếng nói thầm lặng này xuất phát từ trải nghiệm thu được qua những kiếp sống trước. Nó nằm bên trong một “bộ óc” đặc biệt để nhắc nhở người đó về bài học mà học cần phải học. Lúc đầu, tiếng nói này không hiệu lực cho lắm vì họ không chịu nghe, nhưng sau nhiều kiếp sống, trải qua nhiều kinh nghiệm đớn đau, nó trở nên mạnh mẽ, đến khi nào thực thể thay đổi và không hành động như thế nữa thì xem như họ học được những điều cần phải học.

Mỗi cá nhân đều có những bài học riêng, nhưng nói chúng tất cả đều phải học lại nững bài học chưa hoàn thành, và khi học xong thì lại học những bài học lớn lao hơn.

– Trích từ sách Muôn Kiếp Nhân Sinh, tác giả Nguyên Phong –