GIẢI PHÓNG CON KHỎI SỰ PHÁN XÉT CỦA TA

Bạn có tưởng tượng được con cảm thấy thế nào khi phải chờ đợi sự thừa nhận của người lớn và sợ hãi nếu không có được nó? Điều này khác hẳn với việc hiểu rõ rằng chúng được chấp nhận và tôn trọng vô điều kiện.

Làm cha mẹ, việc tối quan trọng là phải giải phóng bản thân mình khỏi ảo tưởng rằng ta có quyền cho phép con cái được là chính bản thân chúng. Chúng ta không trao cho con quyền đó. Ngay khi con bắt đầu tự hít thở, chúng được quyền nói ra những suy nghĩ, thể hiện cảm xúc và tâm hồn mình. Đây là những quyền cơ bản phải được trao cho trẻ ngay từ khi chúng được sinh ra.

Ta có thể ngạc nhiên khi cả sự cấm đoán lẫn khuyến khích đều là những xúc tu của sự kiểm soát. Mặc dù hoàn toàn có thể khen ngợi những thành quả của con, ta rất dễ rơi vào vết xe đổ của cặp đối lập “cấm đoán” và “khuyến khích” – những thứ ngay lập tức ảnh hưởng lên cảm xúc của trẻ về bản chất sự hiện hữu của mình.

Việc con cái là nghệ sĩ, học giả, là người thích mạo hiểm, thích thể thao, yêu âm nhạc, người mơ mộng hay là người hướng nội … không thể phụ thuộc vào thái độ của ta. Nhìn rộng ra, ta không có quyền cấm đoán hay khuyến khích cho dù con mình là người mộ đạo, đồng tính, kết hôn theo bất kỳ hình thức nào, giàu tham vọng, hay thể hiện bất cứ cá tính nào khác. Bản thể của con cần được nâng niu vô điều kiện.

Khi con chọn một tín ngưỡng khác mình, một nghề nghiệp khác với những gì mình ước ao, khi con có xu hướng tình dục đồng giới, hoặc cưới một người khác chủng tộc, cách phản ứng của ta chính là thước đo mức độ tỉnh thức của bản thân. Liệu ta có thể đáp lại con với ý thức rõ ràng rằng chúng hoàn toàn có quyền thể hiện nội tâm theo cách riêng của chúng?

Một cách vô thức, ta có xu hướng khen ngợi khi con thực hiện được một điều gì, thay vì chỉ đơn giản là chính con. Trân trọng sự hiện hữu của con tức là để cho con được sống mà không vướng vào cái bẫy kỳ vọng của ta. Đó là nâng niu con mà không cần chúng phải thực hiện, chứng tỏ điều gì hay hoàn thành bất cứ loại mục tiêu nào.

Bản tính của trẻ con vốn thánh thiện và đáng yêu. Khi ta đề cao những đặc tính đó, chúng tin tưởng rằng ta trân quý thế giới nội tâm của chúng, bất kể thế giới đó biểu hiện ra bên ngoài thế nào. Khả năng gắn kết với tâm hồn con, vững vàng bên con qua những cơn sóng gió khi thế giới bên ngoài của chúng sụp đổ, truyền đi thông điệp rằng chính bản thân con người chúng là tài sản vô giá.

Tôi xin phép đề xuất một số cách thể hiện để con thấy rằng con được chấp nhận khi là chính mình:

Khi con đang nghỉ, ta nói với con rằng ta trân trọng con biết bao.

Khi con đang ngồi, ta nói với con rằng ta thấy hạnh phúc vì được ngồi cùng con.

Khi con đang chơi loanh quanh trong nhà, ta dừng con lại và nói, “Cám ơn con vì đã đến với bố mẹ”.

Khi con nắm tay, ta nói rằng ta yêu việc nắm tay con biết bao.

Sáng sớm khi thức dậy, ta viết cho con một lá thư nói rằng ta hạnh phúc biết bao vì điều đầu tiên trong ngày là được nhìn thấy con.

Ta đón con ở trường và nói rằng ta nhớ con biết bao.

Con cười và ta nói rằng tim ta được sưởi ấm.

Con hôn ta và ta nói rằng ta thích được ở bên cạnh con.

Dù còn bé hay đang tuổi thanh niên, trẻ em đều cần được cảm thấy rằng, chỉ sự hiện diện của chúng đã làm ta vui. Con cần phải hiểu rằng chúng không phải làm bất kỳ điều gì để có được sự quan tâm tuyệt đối của ta. Con xứng đáng được cảm thấy rằng ngay khi sinh ra, chúng đã có quyền được yêu quý.

Những trẻ lớn lên với cảm giác rõ ràng về bản thân sẽ trở thành những người lớn mang trong mình sợi dây chắc chắn kết nối với thế giới nội tâm, vì thế, rất vững vàng về cảm xúc. Chúng sớm hiểu rằng trong mọi mối quan hệ, cá tính tâm hồn của bản thân là điều quan trọng nhất, và vì thế trở thành kim chỉ nam định hướng cho hành xử của con. Với một đời sống nội tâm vững vàng, chúng chẳng cần tìm kiếm sự công nhận từ người khác, không màng những danh xưng hão, mà tự biết cách vui vẻ sống chân thật với bản tâm mình.

– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –

Xem thêm >>> LÒNG BAO DUNG CHÍNH LÀ CHÌA KHÓA