VÔ THỨC TẠO RA NỀN TẢNG ĐỂ SỰ TỈNH THỨC DIỄN RA

Điều ta quan tâm không phải là “Làm sao để con đi ngủ” hay “Làm sao để con ăn”. Nhiệm vụ quan trọng nhất là xây dựng một nền móng tâm hồn cho con và cho chính ta. Điều này buộc ta phải xem xét lại cách tiếp xúc với con ở cấp độ cơ bản nhất, với mục tiêu là hành vi của con tự động trở nên chuẩn mực khi chúng có ý thức và trung thực với bản chất con người chúng. Sự thay đổi hành vi là thành quả của sự thay đổi trong mối quan hệ.

Món quà lớn nhất ta tặng con chính là khả năng phân biệt – phân biệt rõ ràng – rằng con là một cá thể hoàn toàn khác với cha mẹ.

Ngược lại, thất bại lớn nhất của người làm cha mẹ là không biết tôn trọng, khuyến khích con đi theo con đường của riêng mình.

Để dạy con trong tỉnh thức, cần phải chú ý quan sát hành vi của bản thân mỗi khi tiếp xúc với con. Bằng cách này, ta dần ý thức được thói quen vô thức và những dấu ấn của cảm xúc ngay trong khoảnh khắc chúng diễn ra.

Trong quá trình tìm kiếm sự tỉnh thức trong cách tiếp xúc với con, cho dù ý định ban đầu có tốt đẹp bao nhiêu, vẫn có những khi ta lặp lại những mô thức cư xử cũ. Khi điều đó tái diễn nhiều lần, ta tự hỏi liệu đến bao giờ sự vô thức mới kết thúc. Điều này dễ khiến ta nản lòng.

Trên thực tế, chẳng có cha mẹ nào đột nhiên trở nên tỉnh thức. Dạy con tỉnh thức là biến việc quan sát sự vô thức thành hoạt động thường nhật và suốt đời. Dù hành xử vô thức của ta nhỏ đến mức nào, mỗi lần nhận ra là một lần ta chuyển hóa. Khi bắt gặp mình trong khoảnh khắc vô thức và tách được khỏi nó, sự tỉnh thức của ta lại được củng cố.

Sự minh triết của trí tuệ và tâm hồn có cái giá của nó. Mỗi chúng ta đều mang trên mình những dấu ấn vô thức của nhiều thế hệ, nhiều kiếp sống. Về bản chất, sự vô thức sẽ không bị – không thể bị – loại trừ hoàn toàn. Bất chấp phần tỉnh thức lớn đến đâu, phần vô thức vẫn hoạt động với nhịp điệu riêng của nó. Nó rõ rỉ theo từng thói quen, ý nghĩ, cảm xúc và từng lần hiện diện mà ta không hề hay biết. Chỉ bằng cách quan sát sự vô thức nhờ con cái phản chiếu lại, ta mới có thể chuyển hóa được nó.

Sự tỉnh thức và vô thức không phải là những phạm trù đối lập, nằm ở hai đầu quang phổ. Vô thức không phải là kẻ thù của ta. Ngược lại, vô thức tạo ra nền tảng để sự tỉnh thức diễn ra, miễn là ta chịu mở lòng với nó.

Tỉnh thức, không phải là một trạng thái cần đạt được, hay làm một đích đến, mà là một quá trình liên tục. Biết sống tỉnh thức không có nghĩa là ta sẽ hoàn toàn không gặp những khoảnh khắc vô thức. Nói đúng hơn, đó là một tiến trình liên tục. Không có ai hoàn toàn tỉnh thức. Có thể trong khía cạnh này của cuộc sống ta rất tỉnh thức, nhưng trong một khía cạnh khác lại không như vậy – có khi ta rất chú tâm để phản ứng trong khoảnh khắc này nhưng lại mất tập trung ngay trong khoảnh khắc tiếp theo. Sống tỉnh thức, tức là chứng khiến những lần vô thức của mình, dần dẫn làm cho bản thân ngày càng tỉnh thức hơn. Vì vậy, không cần coi sự vô thức là con ngáo ộp. Đó không phải là điều đáng sợ, mà chính là cánh cửa giúp ta trở thành con người hoàn thiện.

– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –