Như bạn thấy, trên hình là một em bé “gấu nhỏ” mà con gái tôi thường mang theo bên mình từ năm 1 tuổi, bất kể là đi đâu, kể cả khi ngủ cháu đều mang theo em “gấu nhỏ” này.
Con gái tôi gọi gấu nhỏ là “em bé”. Bên trong lòng tôi thì xem “em bé” của con gái như là “em bé bên trong” hay “đứa trẻ bên trong” của con.
Vào một buổi tối ngày đầu năm 2023, khi gia đình tôi đang đi chơi, “em bé” bị tuột khỏi tay con và bị rớt xuống đường. Trong khoảnh khắc đó, con gái tôi đã giật mạnh vào tôi để gọi ba lượm lại em bé, con đã khóc rất nhiều và đòi mẹ bé dõi ánh mắt về hướng lúc ba đi lượm em bé lại cho con. Khoảnh khắc ấy, trong lòng tôi vui lắm vì con tôi biết bảo vệ “em bé”, còn với tôi đó chính là con đang bảo vệ “đứa trẻ bên trong” của con.
…Bạn biết không, ai trong chúng ta cũng có “một đứa trẻ bên trong” cần được nuôi dưỡng, bảo vệ.
Theo tác giả cuốn sách Home Coming – Hồi sinh đứa trẻ bên trong bạn, ông John Bradshaw:
- Từ 0 đến 9 tháng là nhu cầu liên kết cộng sinh
- Từ 9 đến 18 tháng là nhu cầu khám phá
- Từ 18 đến 36 tháng là nhu cầu tách biệt
- Từ 3 đến 6 tuổi là giai đoạn hình thành tính cách ban đầu
- Từ 6 đến 12 tuổi là giai đoạn phát triển cá tính
- Từ 12 đến 26 tuổi là giai đoạn của sự hồi sinh
Thật không may với bản thân tôi, khi vừa sinh ra đời gia đình đã có biến cố. Tôi không có một gia đình thực sự khi ba và mẹ tôi mỗi người đã đi mỗi hướng khi tôi chưa tròn một tuổi.
Đứa trẻ là tôi vì để ngăn chặn nỗi đau bị bỏ rơi và để sống sót, đã phải đóng băng cảm xúc của mình để sinh tồn (nếu không thì đã không có cơ hội bây giờ để viết những dòng chữ này). Tôi đã vô tình đánh mất đứa trẻ bên trong của mình trong nhiều năm và đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hoàn toàn kết nối được với em bé bên trong tôi.
Có thể rằng tôi chưa biết cách, tôi chưa dành đủ sự quan tâm và thời gian cho em bé (chưa đủ sự nỗ lực), tôi bị kéo đi trong tình thương mà tôi dành cho người mẹ của tôi (vì thương mẹ mà tôi vô tình thêm phần bỏ bê đứa trẻ bên trong) và tôi bị kéo đi trong sự vận hành của cuộc sống…
– Ngày đầu T1/2023 –