TÌNH THƯƠNG ĐÍCH THỰC

Tiếng “thương yêu” có nhiều nghĩa, ta phải xét cho kỹ về bản chất của tình loại thương yêu. Cuộc đời rất cần đến sự thương yêu, nhưng không phải là thứ thương yêu trên căn bản của dục vọng, của đam mê và vướng mắc, của phân biệt và kỳ thị. Có một thứ tình thương mà cuộc đời rất cần đến, đó là lòng từ bi.

Tình thương mà đời người thường nói tới là tình thương giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa những người trong cùng họ hàng, cùng thân tộc, cùng giai cấp hoặc cùng quốc gia. Vì tình thương ấy còn dựa trên ý niệm “tôi” và “của tôi” cho nên bản chất của nó còn là sự vướng mắc và phân biệt. Người ta chỉ muốn thương cha của mình, thương mẹ của mình, thương chồng của mình, thương vợ của mình, thương con của mình, thương cháu của mình, thương họ hàng của mình, thương đất nước của mình, cho nên người ta còn vướng mắc và phân biệt. Vướng mắc cho nên lo lắng về những bất trắc xảy đến. Phân biệt cho nên có thái độ kỳ thị, hờ hững và ghét bỏ đối với những người mình không thương. Vướng mắc và phân biệt đều là những nguyên nhân của khổ đau, khổ đau cho mình và khổ đau cho người. Thứ tình thương mà muôn loài đang khát khao là lòng từ bi. Từ là thứ tình thương có thể đem đến an vui cho kẻ khác, bi là thứ tình thương có thể làm vơi đi những nỗi đau của kẻ khác. Từ bi là thứ tình thương không có điều kiện, không bắt buộc và không đòi hỏi bất cứ một sự đền đáp nào. Trong từ bi, người được thương không phải chỉ là cha ta, mẹ ta, vợ ta, chồng ta, con ta, huyết thống ta, giai cấp ta, quốc gia ta… Kẻ được thương là tất cả mọi người và mọi loài. Trong từ và bi không có sự phân biệt ta và không ta, của ta và của không ta. Vì không phân biệt nên cũng không có vướng mắc. Từ và Bi chỉ đem lại niềm vui và làm giảm đi nỗi khổ; Từ và Bi không gây lo lắng sầu khổ và thất vọng. Thiếu từ bi, cuộc đời sẽ khô khan, khổ đau và buồn chán. Có từ bi, cuộc đời sẽ có an lạc, hạnh phúc và vui tươi.

Thói thường, thì tình thương của người đời bao giờ cũng ẩn chứa những ý niệm phân biệt, và ít nhiều cũng mang tính chất đam mê và vướng mắc. Thứ tình thương này có thể gây nên lo lắng, sầu khổ và thất vọng. Vậy nếu không thương như thế thì ta phải thương làm sao? Thương như thế nào để tránh được những lo lắng, sầu khổ và thất vọng?

Không ai cấm cản chúng ta thương yêu, nhưng phải biết quán sát để thấy được bản chất của tình thương của chúng ta. Tình thương theo lẽ thì phải làm cho người được thương yêu có an lạc và hạnh phúc. Nhưng nếu chỉ là đam mê, là ích kỷ, là ý chí chiếm hữu, thì tình thương này không thực sự là tình thương, tình thương này không làm cho người được thương có an lạc và hạnh phúc. Trái lại nó làm cho kẻ kia cảm thấy tù túng, lệ thuộc, mất hết tự do, mất hết phẩm cách của một con người có tự do. Tình thương trong trường hợp này chỉ là một tù ngục. Nếu người được thương không có hạnh phúc, nếu người ấy tìm cách để phục hồi lại tự do cho mình, nói một cách khác, nếu người ấy không chấp nhận cái nhà tù của sự chiếm hữu thì tình thương kia sẽ dần dần biến thành sự ghét bỏ và hận thù.

Một câu chuyện thương tâm đã xảy ra khi tình thương không được thỏa mãn đã biến thành thù hận. Có một bà mẹ cảm thấy mất mát khi đứa con trai duy nhất của bà đem lòng thương yêu một cô thiếu nữ và sau đó cưới cô ấy về làm vợ. Bà mẹ kia thay vì thấy rằng mình có thêm một đứa con, lại thấy rằng mình đã mất một đứa con, và cho rằng con trai mình đã phản bội tình thương của mình. Nghĩ như thế, hận thù nảy sinh trong tâm bà. Một hôm bà đã bỏ thuốc độc vào thức ăn, và cả con trai lẫn con dâu đều chết vì ngộ độc.

Trong đạo Bụt, thương yêu phải đi đôi với hiểu biết, thương yêu chính là hiểu biết. Nếu không hiểu biết thì không thể thương yêu. Vợ chồng không hiểu nhau thì không thể thương nhau, anh em không hiểu nhau thì không thể thương nhau, cha con không hiểu nhau thì không thể thương nhau. Muốn cho một người nào có hạnh phúc, mình phải tìm hiểu cho được những ước vọng và những khổ đau của chính người ấy. Hiểu được rồi mình mới có thể làm mọi cách để cho người ấy bớt khổ đau và có hạnh phúc. Như vậy mới gọi là tình thương chân thật. Còn nếu mình chỉ muốn kẻ kia làm theo ý của mình, và không biết gì đến những khổ đau và những nhu cầu chân thực của người ấy thì đó không phải là thương. Đó chỉ là ước muốn chiếm hữu hoặc ước muốn thỏa mãn ý nguyện của mình, cho dù đó là ý nguyện muốn cho người kia sung sướng!

Nếu người đứng đầu đất nước có thể hiểu được những đau khổ và ước vọng của dân chúng thì người ấy sẽ thương yêu được dân chúng. Trong một tổ chức, các cấp dưới cũng có những đau khổ và những ước vọng của họ, nếu người đứng đầu có thể làm cho họ sung sướng thì họ sẽ trung thành với tổ chức. Ông bà, cha mẹ, con cái đều có những đau khổ và ước vọng của mình, nếu ta thực sự hiểu được những đau khổ và những ước vọng ấy, ta sẽ làm cho họ sung sướng. Và khi mọi người được sung sướng và an lạc thì chính mình cũng sẽ được sung sướng và an lạc. Đó là nghĩa thương yêu trong đạo lý tỉnh thức.

Những khổ đau do thứ tình thương có bản chất đam mê và vướng mắc đem lại thì nặng nề và to lớn gấp muôn vạn lần những khổ đau mà lòng từ bi phát khởi trong lòng chúng ta. Có 2 loại khổ đau: một loại khổ đau hoàn toàn vô ích và chỉ có công dụng tàn phá cơ thể và tâm hồn con người, một loại khổ đau nuôi dưỡng được lòng từ bi, ý thức trách nhiệm và đưa tới ý chí hành động diệt khổ.

Xem thêm >>> HẠNH CỦA ĐẤT, NƯỚC, LỬA, KHÔNG KHÍ

Thứ tình thương có bản chất đam mê và vướng mắc vì được nuôi dưỡng trong tham đắm và si mê chỉ có thể đem lại những phiền não khổ đau làm tàn phá con người, trong khi từ bi chỉ nuôi dưỡng xót thương làm chất liệu cho hành động cứu khổ. Sự xót thương rất cần cho con người. Đó là một niềm đau có ích. Không biết xót thương thì con người không thể là con người, vì vậy những khổ đau do lòng xót thương đem lại là những khổ đau cần thiết và có ích lợi lớn.

Từ bi là hoa trái của sự hiểu biết. Thấy được tự tính vô thường của vạn vật , người tu có một cái nhìn điềm đạm và trầm tĩnh, vì vậy những vô thường xảy đến không làm xáo động được tâm mình. Cũng vì vậy, niềm xót thương do lòng từ bi nuôi dưỡng không bao giờ có tính cách nặng nề và chua cay của những đau khổ thế tục.

 (Lời Đức Phật – sách Đường Xưa Mây Trắng – tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.