THỞ ĐỂ CHĂM SÓC VÀ CHỮA TRỊ CƠN GIẬN

Khi năng lượng của sân hận, ghen ghét, hay tuyệt vọng phát hiện thì ta phải biết cách xử lý, nếu không, ta sẽ bị những cảm xúc ấy tràn ngập và sẽ đau khổ vô cùng. Hơi thở chánh niệm là một pháp môn thực tập giúp ta chăm sóc cảm xúc.

Trước hết phải nên biết rằng muốn chăm sóc cảm xúc thì phải biết chăm sóc thân thể. Khi ý thức được hơi thở vào, ra thì ta sẽ ý thức được cơ thể. “Thở vào, tôi ý thức toàn thân tôi; thở ra, tôi ý thức toàn thân tôi”. Hãy trở về với cơ thể, ôm ấp cơ thể bằng năng lượng chánh niệm do hơi thở chánh niệm chế tác.

Trong cuộc sống hằng ngày, vì bận rộn công kia việc nọ mà ta quên mất rằng cơ thể rất quan trọng cho ta. Cơ thể ta có thể là đang đau nhức, đang bị bệnh. Ta phải biết trở về ôm ấp nâng niu cơ thể ta bằng chánh niệm, như một bà mẹ ôm ấp em bé. Sau khi ôm ấp toàn thân, ta sẽ lần lượt ôm ấp từng bộ phận trong cơ thể – mắt, mũi, phổi, tim, gan, thận…

Tư thế tốt nhất để thực tập buông thư toàn thân là tư thế nằm.

Trước hết, ta tập trung chú ý vào một phần của cơ thể, ví dụ như là quả tim. Khi thở vào, ta ý thức tim ta; khi thở ra, ta mỉm cười với tim ta. Ta gửi đến tim ta yêu thương, trìu mến.

Tiếp theo, ta làm cho cơ thể lắng dịu: “Thở vào, tôi làm cho toàn thân tôi lắng dịu; thở ra, tôi làm cho toàn thân tôi lắng dịu”. Cơ thể đang căng thẳng, bất an, hơi thở chánh niệm sẽ giúp cho tâm thần được thư giãn và êm dịu.

Khi hơi thở đã được êm dịu và hiền hoà, ta tiếp tục hơi thở như thế và hướng sự chú ý vào các phần khác trong cơ thể, lần lượt từ đầu đến chân.

Như thế có thể mất gần nửa giờ. Đây là một cách bày tỏ yêu thương, lo lắng hiệu quả nhất cho cơ thể.

Năng lượng của hơi thở chánh niệm là tia sáng soi rõ từng bộ phận trong thân thể, cũng như máy quang tuyến trong các bệnh viện, nhưng những tia chiếu ở đây không phải là tia quang tuyến X mà là những tia chiếu của thương yêu, của chánh niệm.

Hơi thở là một phần của cơ thể. Khi giận hay lo sợ thì hơi thở ngắn, dồn dập, phẩm chất của hơi thở trở nên yếu kém. Nếu biết sử dụng hơi thở vào – ra có ý thức, thì chỉ trong vài phút hơi thở sẽ êm dịu, điều hoà và tâm thần cũng trở nên lắng dịu.

Thở là một nghệ thuật cũng như thiền tập là một nghệ thuật. Phải thở như thế nào để thân và tâm được điều hoà, và không nên dồn ép hơi thở.

Chúng ta nên thực tập buông thư toàn thân như thế ít nhất là mỗi ngày một lần. Tốt nhất là vào buổi tối, trước khi đi ngủ. Nên tổ chức để cả gia đình cùng tập chung. Ban đầu thì có thể sử dụng băng cassette hướng dẫn để tập, sau thì tự mình có thể hướng dẫn cho cả nhà cùng tập.

(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.