Thỉnh thoảng chúng ta phải quyết định và đôi khi sự quyết định rất ư khó khăn. Chúng ta bắt buộc phải chọn lựa. Một sự chọn lựa có thể rất đau lòng. Nhưng nếu ta biết rõ cái gì là quan trọng nhất, cái gì mà ta khát khao nhất cho cuộc sống của ta thì sự chọn lựa trở nên dễ dàng hơn, ít gây đau khổ hơn.
Lấy ví dụ một người muốn xuất gia. Đây không phải là một quyết định dễ dàng. Nếu sự ước muốn chưa tới mức một trăm phần trăm thì không nên xuất gia. Phải ước muốn hơn một trăm phần trăm mới được. Khi bạn cho rằng đời sống xuất gia đối với bạn là quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác thì sự quyết định sẽ dễ dàng hơn.
Chúng ta có nhiều việc phải làm trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta phải quyết định việc gì là quan trọng nhất cho mình. Học cho xong bậc đại học để có một bằng cấp có thể mất bốn hay sáu năm, một khoảng thời gian khá dài. Có thể là bạn tin rằng bằng cấp rất quan trọng cho hạnh phúc. Có thể là đúng như vậy. Nhưng còn có nhiều yếu tố khác quyết định bình an, hạnh phúc của bạn. Bạn cần để tâm cải thiện liên hệ giữa bạn và cha mẹ anh em, giữa bạn và người bạn đường. Bạn có thì giờ để làm chuyện đó hay không? Bạn có dành đủ thì giờ để làm chuyện đó hay không? Cải thiện liên hệ giữa bạn và những người thương của bạn là quan trọng vô cùng. Bạn sẵn sàng bỏ ra bốn năm để có được một bằng cấp. Liệu bạn có đủ khôn ngoan để dành ra từng đó thì giờ để giải quyết khó khăn trong liên hệ của bạn hay không? Để đối phó với sân hận của bạn hay không? Khoản thời gian đó sẽ đem lại hạnh phúc và vững chãi mà bạn cần để tái lập truyền thông.
Nếu bạn muốn viết sách về một ai đó mà bạn ngưỡng mộ. Tại sao bạn không viết một cuốn sách về chính mình. Bạn hãy đem tất cả tâm huyết để viết cuốn sách ấy, để tự chuyển hoá thành một người mẫu mực của chánh pháp và hành trì, để trở thành một người có tự do và hạnh phúc. Như thế thì bạn có thể giúp cho nhiều người chung quanh cùng được hạnh phúc.
Điều quan trọng nhất đối với tôi (Trí Tín) là thiết lập liên hệ tốt đẹp giữa tôi và mẹ của tôi. Tôi tạo cơ hội cho tôi và mẹ của tôi tu tập và chuyển hoá. Được như thế thì thật khích lệ và nuôi dưỡng cho tôi. Khi tôi và mẹ có thể chuyển hoá khổ đau và thiết lập liên hệ tốt đẹp với nhau và với những người xung quanh thì đó là một thắng lợi đáng kể. Một thắng lợi không chỉ riêng cho hai mẹ con mà cho cả mọi người, một thắng lợi có tác dụng nuôi dưỡng cho tất cả chúng ta.
Xem thêm >>> VƯỢT THOÁT TỪ NGỤC CỦA Ý NIỆM
Nếu bạn gặp khó khăn với một người nào đó và cứ nghĩ rằng người đó chỉ muốn làm cho bạn khổ, rằng không có cách nào khác hơn để giúp người đó thì đó là vì bạn chưa thực hành những gì đã được chỉ dạy. Nếu bạn cảm thấy không thể thiết lập đối thoại với người ấy thì đó là vì bạn còn thiếu kinh nghiệm trong khi tu tập. Bạn luôn luôn có thể đối thoại với người kia. Rất nhiều người đã đặt câu hỏi: “Nếu người kia không chịu hợp tác, không chịu nghe thì sao bây giờ?” Câu trả lời là chừng nào người kia không chịu nghe bạn nói hay không chịu nói chuyện với bạn, hay bàn thảo để giải quyết vấn đề với bạn thì bạn sẽ còn phải tiếp tục tu tập và chuyển hoá tự thân để một ngày nào đó có thể có sự hoà giải.
Viết một cuốn sách về chính mình là một cách nhìn sâu để nhận diện gốc rễ của khổ đau và tìm cách chuyển hoá. Nó sẽ giúp ta trở thành một người có tự do và được hạnh phúc, và có khả năng làm cho những người khác hạnh phúc.
(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh và bổ sung lời của Trí Tín)