NHỮNG ĐƯỜNG MAY VI DIỆU

Hôm nay là ngày giỗ của bố tôi, một ông thợ may quê ở Ninh Bình trôi dạt vào Nam từ năm 1939-40. Nhớ ông, tôi biết ơn bố, với nghề may cơ cực đã nuôi 7 anh chị em chúng tôi thành người.

Và cũng rất may hôm nay tôi đọc được câu chuyện thật hay của bậc chân tu tự may lấy ba mảnh y của mình bằng những miếng vải rách, rơi, lượm của chúng sinh dọc đường…Câu chuyện thật đáng để ngẫm sâu.

Chuyện từ năm ngoái. Một thanh niên tên Nhân nghe tin thầy đã về núi Sạn, xã Vĩnh Phương, Nha Trang. Anh thử đi tìm cầu may thì gặp được thầy. Ba câu hỏi này trích từ …cuốn băng video mà chị Phạm Hiền Mây kiên nhẫn ghi lại.

Anh Nhân hỏi thầy 3 câu khi thầy tự ngồi cắt mấy miếng vải cũ vá thay mấy chỗ sờn rách. Nghe thầy…Tôi ấn tượng nhất câu này:

… Vì con là một người tập tu, tập học, con tự thấy mình chưa đủ để khoác y vàng đó lên người. Y của con, giống như cánh đồng mùa lũ về, trắng nước, cũng như con, phước còn bạc, còn ít, không đủ. Con xác định, mình chỉ là hạt bụi, hạt cát. Con đang nhỏ bé, yếu ớt thế này, chưa đủ lực lẫn chưa đủ phước, mà khoác bộ màu vàng lên người, gặp chướng ngại, con sẽ té ngã ngay.

Sau đây là 3 câu hỏi đáp.

NHƯ CÁNH ĐỒNG MÙA LŨ VỀ

Hỏi: Thưa thầy cho con hỏi, pháp danh của thầy là gì? Thầy đang may gì vậy ạ? Vải này thầy kiếm ở đâu?

Đáp: Con là Minh Tuệ. Con đang may lại y rách, vải cũ bị bở rồi, chừng năm, bảy tháng là vải bị mục, nhặt được mấy miếng vải, con thay. Vải này là vải người ta bỏ đi sau đám tang, hoặc ngoài đường, hoặc nhà may họ vứt đi, con thấy còn bền, chắc, còn tận dụng được thì con nhặt. Sau đó con giặt, phơi khô, cất trong túi. Khi nào con rảnh, con ngồi con may y. May y là tập hạnh siêng năng, không vì y áo mà làm phiền người khác. Trừ những trường hợp đặc biệt, đột ngột quá thì mới xin.

Hỏi: May một y như vậy, thời gian mất khoảng bao lâu ạ? Vải của người mất, người ta cũng kỵ dùng, vì sợ người mất về đòi. Việc đó có không thầy?

Đáp: Dạ, con không biết. Mảnh nào bị mục, rớt xuống, thì con lại đắp lên. Mỗi ngày, con may hai ba ô, chớ con không may liên tục. Thời gian, con dành phần nhiều cho việc tu hành của mình. Trong kinh dạy, người mất, họ theo nghiệp của họ, đi tái sanh rồi, không đòi lại đâu. Vả lại, theo tâm lý mà nói, đồ mình đã bỏ đi, mà người khác vẫn dùng lại được, thì sẽ rất hoan hỉ, hạnh phúc. Thức ăn cũng thế, khi mình đã đổ bỏ, nếu có một con thú tới ăn, mình cũng nghe vui. Trong mỗi chúng ta, đều đã sẵn lòng từ bi. Những người đi tái sanh, ở cảnh giới khác, hoặc thành chư thiên hay vị thần nào đó, mình không nhìn thấy họ nhưng họ vẫn nhìn thấy mình, thấy mình sử dụng đồ đã bỏ đi của họ, họ sẽ rất vui vẻ. Nếu có sợ, là sợ mình giặt không kỹ các miếng vải ấy, còn các vi khuẩn, sẽ xâm nhập bệnh cho mình thôi. Một số bệnh, có thể lây qua đường tiếp xúc. Do đó, trước khi sử dụng, mình giặt sạch, phơi ở chỗ có ánh nắng mặt trời.

Hỏi: Thầy khoác lên một bộ y, mà không giống bất kỳ một nhà sư nào cả, khi ra đường, cũng là một sự bất lợi và thử thách đối với thầy. Nhìn vào, người ta dễ nghĩ thầy là một người không bình thường.

Đáp: Dạ, y màu vàng là y của A La Hán, màu của những bậc chân tu. Y đó, người ta nói, giống như ruộng phước điền, tức vào lúa thời kỳ chín, có màu vàng. Còn con, con lượm vải bất kể màu gì để may y. Vì con là một người tập tu, tập học, con tự thấy mình chưa đủ để khoác y vàng đó lên người. Khi nào con chín, con thành tựu, con viên mãn, giới luật có, thiền định có, trí tuệ có, được giải thoát rồi, thì con mới thấy con xứng đáng để khoác y màu vàng. Y của con, giống như cánh đồng mùa lũ về, trắng nước, cũng như con, phước còn bạc, còn ít, không đủ. Con xác định, mình chỉ là hạt bụi, hạt cát. Con đang nhỏ bé, yếu ớt thế này, chưa đủ lực lẫn chưa đủ phước, mà khoác bộ màu vàng lên người, gặp chướng ngại, con sẽ té ngã ngay.

NHỮNG Ô RUỘNG BẬC THANG NHIỀU MÀU SẮC

Thầy nói tới cánh đồng mùa lũ. Cũng những cánh đồng thân thương gắn bó muôn đời trong tâm tưởng người Việt. Tôi nhớ tới những cánh đồng khác, những thửa ruộng bậc thang mà bạn tôi, nhà thiết kế Sỹ Hoàng lấy cảm hứng từ những mảnh ruộng ấy .

Anh kể, anh đã soạn ra thật nhiều các miếng vải vụn (còn thưa sau khi may áo cho khách) lúc bị ngồi bó gối khi bị phong tỏa giữa mùa dịch, ráp nối lại, nhìn thật sâu và sáng tác nên những chiếc khăn quàng cổ bằng vải thổ cẩm, lụa…đẹp lạ, khác biệt.

“Ý tưởng khi tôi thiết kế khăn quàng cổ mang tên ẤM TÌNH. Mỗi mẫu khăn là duy nhất, ráp từ nhiều mảnh vải, như những ô ruộng với đường chỉ thêu tượng trưng cho hàng mạ non mới cấy. Tấm khăn được khoác lên ấm áp đôi vai mùa thu vàng lá, sưởi ấm trái tim mùa đông tuyết phủ.

Y áo của Quý Thầy cũng là từ thửa ruộng. Tiểu Thừa thì miếng to nhỏ, Đại thừa thì như thế nào… Một sự vi diệu không nói nên lời” , Sỹ Hoàng kể.

Ngày 31/5/2024, anh viết tiếp trên trang nhà:

Hôm nay Thầy đã thêm dải khăn trắng trên y áo cho người đồng tu về nơi an yên.

Từ “Chân-Thiện” Thầy đã mang thêm “Mỹ” vào bao nhiêu lãnh vực đời sống cả về tinh thần và hình thức.

Từ tháng 3.2023 con đã giới thiệu tấm khăn choàng từ những mảnh vải ghép lại. Nhân duyên sao lại như trùng y áo của Thầy và các vị cùng theo.

Con kính ngưỡng Thầy .

   

Tác giả: Vũ Kim Hạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *