NHÌN SÂU

Muốn nhìn thấy rõ mọi việc, ta cần phải nhìn sâu vào bản chất của sự vật. Khi ta bơi lội trong dòng sông trong mát, ta phải có khả năng thấy mình là dòng sông.

Một ngày nọ, tôi ngồi ăn cơm với một vài người bạn tại đại học Boston ở Mỹ. Trước mắt tôi là dòng sông Charles thơ mộng. Dòng sông thơ mộng có thể vì tôi xa quê hương lâu quá và tôi vốn rất thích sông. Tôi rời các bạn và tìm lối xuống sông rửa mặt và ngâm chân như tôi vẫn thường làm ở quê nhà. Khi tôi trở lại chỗ ngồi, một người bạn giáo sư nói: “Thầy làm như vậy nguy hiểm lắm đó. Thầy có súc miệng dưới  sông không?” Tôi nói có và vị giáo sư khuyên tôi nên đi chích thuốc ngừa ngay.

Muốn nhìn thấy rõ mọi việc, ta cần phải nhìn sâu vào bản chất của sự vật

Tôi hơi bàng hoàng. Tôi không hề ngờ các dòng sông bên này bị ô nhiễm nặng nề đến như vậy. Những dòng sông như vậy gọi là những dòng sông chết. Ở Việt Nam, đôi khi sông có nhiều bùn và rác nhưng không đến nỗi không uống được. Tôi nghe nói ở Đức, sông Rhine có nhiều hóa chất đến nỗi đem rửa phim cũng được.

Nếu ta còn muốn tắm gội trong dòng sông, uống nước dòng sông hay đi dạo chơi ven sông thì ta phải biết nhìn dòng sông như là nhìn chính ta để cảm được những vui buồn, thất vọng của nó. Nếu ta không cảm được những gì sông núi cảm, thì những cỏ cây hay chim muông cầm thú dần dần sẽ chết và lúc đó ta sẽ mất hết an lạc.

Nếu ta là một người thích leo núi, thích cảnh đồng quê, thích rừng cây xanh mát, ta phải biết rằng rừng cây là buồng phổi thứ hai của ta, cũng như mặt trời là trái tim thứ hai của ta vậy. Nếu không hiểu vậy, ta sẽ tàn phá hàng triệu mẫu cây mà không thương tiếc với mưa axít đồng thời ta hủy hoại khí ozone khiến ánh mặt trời không được lọc bớt khi tới với chúng ta. Ta tự chôn mình trong cái vỏ chật hẹp của mình mà không biết, chỉ vì ta mãi lo trau chuốt cái bản ngã nhỏ bé đó mà ta vô tình hủy hoại cả cái ta rộng lớn mênh mông. Đã đến lúc ta phải trở về con người thật của ta, con người hòa đồng trong đại thể, vừa là sông núi, rừng cây, ánh mặt trời, bầu khí quyển…Ta phải hành động gấp rút để còn có hy vọng cho ngày mai.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *