Cái giận bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về chính con người ta và về những nguyên nhân xa và gần đưa tới tình trạng nóng bức hiện tại. Ta giận có thể cũng vì một ham muốn nào đó, vì tự kiêu, vì nghi ngờ hay bực bội. Do đó, nguyên nhân chính của cái giận nằm ở trong ta; hoàn cảnh bên ngoài và những người chung quanh chỉ đóng vai trò phụ.
Nguyên nhân chính của cái giận nằm ở trong ta
Khi một trận động đất hay lụt lội xảy ra, ta có thể chấp nhận dễ dàng những thiệt hại to lớn đó. Nhưng khi có một sự đổ vỡ do một người gây ra, ta lại không đủ kiên nhẫn để chịu đựng. Ta hiểu vì đâu mà có lụt lội hay động đất. Thế mà ta lại không chịu khó tìm hiểu do đâu mà người đó đã gây ra cơn dữ của ta.
Ví dụ người đó vừa nói với ta một câu rất khó chịu. Có thể vì anh ta cũng vừa bị ai đó nói với anh ta như vậy. Cũng có thể khi anh ta còn nhỏ, người cha nghiện ngập của anh ta đã từng nói với anh ta bằng cái giọng gay gắt đó. Khi thấy rõ những nguyên nhân này, không thể nào mà ta còn giận cho được. Nói như vậy không có nghĩa là ta dung dưỡng những con người độc ác luôn tìm cách hại ta. Điều quan trọng là ta phải lo chăm sóc những hạt giống giận trong con người ta trước nhất. Sau đó, nếu người đó quả là một con người quá quắt cần phải sửa trị thì ta sẽ sửa trị nhưng vì lòng thương hơn là vì cái sợ hay ý chí trả thù.
Ta phải lo chăm sóc những hạt giống giận trong con người ta trước nhất
Khi ta thực sự hiểu được những đau khổ của người khác, ta sẽ tìm cách giúp họ vượt thoát những đau khổ, và bằng cách giúp họ vượt thoát những đau khổ đó, và bằng cách ấy ta cũng giúp chính ta. Ta làm cho tâm ta nhẹ nhàng, an lạc, thầm nhuần chất liệu của thương yêu.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Nguồn: Hoa Đà Việt Nam