LUẬT NHÂN QUẢ VÀ TÂM THỨC

Khi qua đời, con người rời bỏ xác thân vật chất và hiện hữu dưới hình thức khác gọi là thân trung ấm (Bardo) hay vong linh (Spirit). Đây là trạng thái trung gian giữa cái chết và lần tái sinh tiếp theo.

Cái duy nhất hiện hữu là tàng thức (A lại da thức), nó là căn bản của sự tồn tại, là nền móng của mọi tâm thức. Tàng thức có thể coi như cái kho chứa rất nhiều chủng tử (hạt giống). Mọi tư tưởng, lời nói, hành động trong một kiếp sống, dù tốt hay xấu, đều tạo ra nhân, hay chủng tử, được lưu giữ trong tàng thức, không bao giờ mất đi. Tuỳ vào sự thu xếp của luật Nhân quả mà một số chủng tử sẽ phát khởi, biểu hiện thành tâm thức trong mỗi kiếp sống. Do đó, tâm thức luôn luôn biến đổi, luân chuyển qua nhiều kiếp khác nhau, lúc làm người, lúc làm thú vật, lúc làm bậc tiên thánh ở cõi giới tâm thức cao hay ma quỷ. Có thể hình dung việc này như một người làm vườn vào kho lấy ra một số hạt giống để gieo trồng, tuỳ điều kiện đất đai, thời tiết hay tưới bón mà những hạt giống được chọn này sẽ mọc thành cây rồi trổ quả. Kiếp người cũng thế, tuỳ theo sự sắp đặt của luật Nhân quả mà người ta sinh ra tại một nơi chốn nhất định, với hoàn cảnh và tính tình riêng, không ai giống ai. Có người sung sướng, có người khổ đau, có người rất thông minh và có người lại khờ dại. Tất cả tính tình của một người đều chỉ là những chủng tử đã có sẵn trong tàng thức và được biểu hiện trong kiếp sống tiếp đó thôi.

Trải qua vô lượng kiếp, chủng tử chứa trong tàng thức thì rất nhiều nhưng tuỳ nhân quả sắp đặt, hay nghiệp lực, mà chỉ một số nhỏ chủng tử được lấy ra cho mỗi kiếp sống. Tuỳ hành xử cá nhân, tức thân – khẩu – ý trong mỗi kiếp sống mà chúng ta tiếp tục tạo thêm những cái nhân, lưu trữ vào trong tàng thức dưới dạng chủng tử. Do đó tàng thức là cái kho không bao giờ cạn, và chủng tử phát khởi là không bao giờ có hồi kết. Đó là lý do con người tiếp tục lưu chuyển mãi trong vòng sinh tử luân hồi, khi thì làm người, lúc thì làm thú vật, ma quỷ hay các bậc cao hơn. Khi chuyển tiếp làm người thì tâm thức (tức tàng thức) đến trước rồi các yếu tố vật chất kết cấu trong bào thai đến sau. Đến khi chết, các yếu tố vật chất tan rã trước, tâm thức là cái cuối cùng ra đi. Khi qua cõi âm, tâm thức chuyển thành một dạng của năng lượng, lưu lại đây một thời gian để chuẩn bị chuyển kiếp, gọi là giai đoạn thân trung ấm hay vong linh. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt khi vong linh còn ước nguyện chưa thành ở cõi trần, thì quanh quẩn tại đây, không chịu siêu thoát.

Khi các gánh nặng của xác thân vật lý như bệnh tật hay áp lực của đời sống không còn, vong linh có thể suy nghĩ khách quan, rõ ràng, minh bạch hơn, không bị thành kiến chi phối nữa. Vì có thể nhìn mọi việc đúng như nó đã xảy ra, một số vong linh sẽ biết hối hận, biết nhận lỗi và tự trách mình đã làm những việc sai trái rồi nảy sinh ước vọng hoàn thành việc gì đó để chuộc lỗi. Đây là giai đoạn rất quan trọng, vì khi đó tâm thức sẽ phối hợp với luật Nhân quả, khởi động một số chủng tử chứa trong tàng thức, chuyển thành nghiệp lực, thu xếp cho họ cơ hội học hỏi những gì họ cần học ở kiếp sau. Do đó, mỗi kiếp người được quyết định một phần nhờ luật Nhân quả và phần khác là nhờ tâm thức cá nhân, nhờ sự thức tỉnh sau khi trải nghiệm của từng kiếp sống. Cả hai phối hợp với nhau quyết định hướng đi cho kiếp sống sau, cũng tức là bài học mà người ta phải học, mục đích mà họ muốn đạt được ở kiếp sau.

Khi sinh ra, mỗi người đều có những mục đích được xây dựng trên tâm thức, và được nghiệp lực dẫn dắt để học hỏi những bài học mà học cần. Vấn đề là khi tái sinh làm người, người ta có nhận thức được bài học đó không, có biết mục đích cuộc đời mình là gì không, có ý thức được điều họ cần học trong kiếp sống đó hay không. Nhiều người để cho hoàn cảnh xung quanh lôi kéo, không tự biết mình, không biết mục đích của mình, rồi lạc lối vào con đường khác, nên không thể hoàn tất bài học và phải học đi học lại. Vòng luân hồi là như thế đó. Vì không tỉnh thức, cứ u mê, điên đảo, để hoàn cảnh xung quanh ảnh hưởng, người ta tiếp tục gieo nhân rồi phải trả quả. Nhân quả nối tiếp nhau không ngừng nên có khi vong linh chuyển tiếp làm người, có khi làm thú vật, hoặc đi đến cõi giới ma quỷ.

Cõi giới của loài người mà môi trường thuận tiện nhất để học và áp dụng những bài học vì con người được lựa chọn sống như thế nào, làm những việc gì. Do đó, khi được chuyển sinh làm người, việc tự biết mình, tìm ra mục đích của đời mình là điều quan trọng. Nếu đoạ lạc vào các cõi khác như súc sinh, hay ma quỷ thì rất khó có thể học được gì. Được sinh làm người là cơ hội rất quý báu, và nếu sống không mục đích, chỉ vật vờ trôi dạt theo hoàn cảnh xung quanh, để dục vọng lôi cuốn thì vô cùng đáng tiếc. Bởi vì một khi mất đi kiếp người thì sẽ trải qua thời gian rất lâu, qua rất nhiều sự tu tập mới có thể trở lại làm người.

Trạng thái tâm thức của con người sau khi chết hoàn toàn phụ thuộc vào cách sống của họ ở kiếp sống đó. Sự chuẩn bị tốt nhất cho cái chết chính là sống một cuộc đời thanh cao, biết nhìn những biến cố cuộc đời – tốt cũng như xấu, vui cũng như buồn – một cách điềm đạm như đang đến lớp để học những bài học cần thiết, và chấp nhận sự chết như là việc đi qua lớp học khác. Nếu biết học bài học cần phải học, làm những việc cần phải làm, sống với mục đích rõ ràng thì trạng thái tâm thức khi chết không quan trọng nhiều.

 (Trích từ sách Muôn Kiếp Nhân Sinh tập 2, tác giả Nguyên Phong)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *