LẮNG NGHE SÂU ĐỂ LÀM VƠI BỚT KHỔ ĐAU

Truyền thông là một thực tập. Muốn truyền thông thì phải khéo léo. Chỉ có thiện chí thôi thì không đủ. Phải học. Có thể là bạn không có khả năng lắng nghe. Có thể là người kia luôn luôn nói lời cay đắng, lên án, trách móc khiến bạn chán ngán, không thể nghe được nữa và chỉ muốn tránh mặt. Bạn tránh mặt người đó vì sợ. Bạn không muốn khổ. Nhưng làm như thế thì có thể gây hiểu lầm. Người kia có thể nghĩ rằng bạn có thái độ khinh mạn, muốn tẩy chay, không thèm để ý, và càng thêm đau khổ. Bạn không muốn gặp mặt người ấy nhưng đồng thời cũng không thể lánh mặt người ấy. Giải pháp duy nhất là thực tập để có thể thiết lập lại truyền thông trở lại. Con đường thực tập lắng nghe sâu.

Chúng ta biết rằng có nhiều người đau khổ vì nghĩ rằng không ai hiểu họ hay hiểu hoàn cảnh của họ. Ai cũng bận rộn và hình như không ai có khả năng lắng nghe. Nhưng chúng ta ai cũng cần có một người có thể lăng nghe mình.

Hiện nay có những nhà tâm lý trị liệu chỉ có việc ngồi đó để nghe bệnh nhân thổ lộ tâm tình. Nhà tâm lý trị liệu biết lắng nghe sâu mới thật là một nhà tâm lý trị liệu giỏi. Một nhà tâm lý trị liệu giỏi có khả năng lắng nghe chăm chú, không kỳ thị, không phán xét.

Tôi không biết những nhà tâm lý trị liệu đã tu luyện như thế nào để có được khả năng lắng nghe ấy. Nhà tâm lý trị liệu chắc cũng đầy đau khổ. Trong khi ngồi nghe bệnh nhân, những hạt giống đau khổ trong họ cũng sẽ được tưới tẩm. Nếu một nhà tâm lý trị liệu bị đau khổ của chính mình tràn ngập thì làm sao họ có thể lắng nghe bệnh nhân một cách đàng hoàng? Muốn học làm một nhà tâm lý trị liệu thì phải học nghệ thuật lắng nghe sâu.

Xem thêm >>> TÂM TỪ BI LÀ LINH DƯỢC GIẢI ĐỘC SÂN HẬN

Lắng nghe với tâm từ bi là lắng nghe làm sao mà người kia cảm nhận được là bạn đang lắng nghe thật sự, đang cảm thông thật sự, bạn đang lắng nghe hết lòng với tâm từ bi. Nhưng mấy ai trong chúng ta mà có thể lắng nghe được như vậy? Chúng ta đồng ý theo nguyên tắc rằng chúng ta sẽ lắng nghe với quả tim, để có thể thật sự lắng nghe người kia đang nói gì. Chúng ta đồng ý rằng là chúng ta phải cho người nghe cảm tưởng rằng họ đang được nghe và đang được hiểu. Làm như vậy người kia mới có thể vơi bớt khổ đau.

Lắng nghe sâu, lắng nghe với tâm từ bi không phải là lắng nghe để phân tích hay để tìm biết chuyện gì đã xảy ra. Ta lắng nghe trước hết là để cho người kia bớt khổ, để cho người kia có cơ hội bộc bạch tâm tư và cảm nhận rằng ít ra là có người đã hiểu mình. Lắng nghe sâu là lắng nghe mà có thể giúp ta thắp sáng tâm từ bi suốt thời gian người kia đang nói, thời gian này có thể là nửa giờ hay bốn mươi lăm phút. Trong khoảng thời gian đó ta chỉ có một ý muốn duy nhất là lắng nghe để cho người kia có cơ hội nói ra và bớt khổ. Đây là mục đích duy nhất. Phân tích, tìm hiểu những gì đã xảy ra chỉ là kết quả thứ yếu, chỉ là sản phẩm phụ của sự lắng nghe. Trước hết là phải lắng nghe với tâm từ bi.

(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.