HIỂU VÀ THƯƠNG

Hiểu và thương tuy hai chữ mà một ý. Một buổi sáng kia cậu con trai của bạn thức dậy thì thấy đã gần giờ đi học. Cậu liền đến đánh thức em gái của mình còn đang ngủ, để hai anh em có thể kịp ăn sáng trước khi đến trường. Em bé ấy thay vì cám ơn lại gắt lên: “Đi đi! Kệ tôi!”. Cậu bé có thể đã nổi giận vì thái độ không dễ thương của em và có thể đi vào bếp mạch lại với bạn điều đó. Nhưng cậy bé chợt nhớ rằng tối hôm qua em bé đã ho nhiều, chắc em đã bị sốt, không ngủ được, nên sáng nay mới khó chịu như vậy.

Muốn thương ai, ta phải hiểu người đó.

Khi hiểu được điều đó, cậu bé không còn thấy giận em gái nữa. Khi bạn đã hiểu không thể nào bạn không thương. Và khó mà bạn có thể tiếp tục giận được. Khi bạn đã hiểu thì bạn biết phải làm gì để người kia bớt đau khổ, bạn làm chuyện ấy rất tự nhiên không cần phải cố gắng nhiều. Cho nên muốn hiểu sâu, ta nên tập nhìn mọi loài với con mắt từ bi.

Muốn thương ai, ta phải hiểu người đó. Nếu chỉ muốn chiếm hữu người đó làm của riêng thì đó chưa phải là thương. Ta không thể gọi đó là thương nếu ta chỉ biết lo cho ta, cho những nhu cầu của riêng ta còn những nhu cầu của người đó thì ta không hề để ý đến. Tình thương chân thật chỉ có khi ta thấy được những gì người thương ta cần hay không cần.

Khi ta hiểu rõ ai, không thể nào mà ta không thương cho được.

Khi ta hiểu rõ ai, không thể nào mà ta không thương cho được. Lâu lâu ta nên ngồi sát cạnh người thương của ta, cầm tay người ấy và khẽ nói: “Này em của anh, em có nghĩ là anh đã hiểu em chưa? Hay anh vẫn còn vụng về và làm cho em đau khổ? Hãy nói cho anh biết, bởi anh muốn thương em thật lòng!” Nếu ta thực tâm muốn tìm hiểu người thương thì giọng nói của ta sẽ biểu lộ sự quan tâm và người ấy sẽ mủi lòng.

Cánh cửa cảm thông đã mở, chuyện gì mà ta chẳng làm được. Người ta đôi khi không có thì giờ hoặc không đủ can đảm để hỏi con trai của mình những câu hỏi tương tự: “Con của ba, ba thương con, nhưng không biết ba đã hiểu được con chưa?” Ta phải có can đảm đặt câu hỏi đó với con cái ta. Nếu thương mà không hiểu, thì tình thương đó chưa đúng cách, trái lại càng thương ta càng làm cho người ta thương “bị thương”. Phải có hiểu mới có thương thật sự. Khi được hiểu, người được thương sẽ nở như một bông hoa.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *