Bạn có thể thêm vào sau ba câu của thông điệp hoà bình trên bằng câu sau đây: “Tối thứ sáu này chúng ta hãy ngồi lại với nhau để cùng nhìn sâu vào sự việc đã xảy ra”. Nên nói câu này vào ngày thứ Hai hoặc thứ Ba. Như vậy bạn sẽ có ba hay bốn ngày để thực tập. Trong những ngày ấy, bạn và người ấy sẽ có cơ hội nhìn lại và hiểu rõ hơn nguyên nhân của xung đột. Bạn và người kia có thể gặp nhau bất cứ lúc nào nhưng chọn ngày thứ Sáu là hay nhất, vì nếu làm hoà được thì bạn và người kia sẽ có những ngày cuối tuần tuyệt diệu với nhau.
Trong khi chờ hẹn tối thứ sáu, bạn hãy thực tập hơi thở chánh niệm và nhìn sâu vào gốc rễ của cơn giận trong bạn. Dầu cho là đang khi lái xe, đi bộ, nấu ăn, giặt giũ bạn hãy tiếp tục ôm ấp cơn giận của mình trong chánh niệm. Như vậy, bạn sẽ có cơ hội quán chiếu bản chất cơn giận. Bạn sẽ khám phá ra rằng nguyên nhân chính của đau khổ của bạn chính là hạt giống giận trong bạn. Có lẽ hạt giống ấy trong quá khứ đã được tưới tẩm quán nhiều lần bởi chính bạn hay những người khác.
Xem thêm >>> TƯỚI TẨM CÓ LỰA CHỌN
Cơn giận có trong ta dưới hình thức của một hạt giống. Chúng ta còn có những hạt giống của yêu thương, hiểu biết. Trong tâm thức chúng ta có rất nhiều hạt giống tích cực cũng như tiêu cực. Phép thực tập là tránh tưới tẩm những hạt giống tiêu cực mà thay vào đó là phải nhận diện và tưới tẩm những hạt giống tích cực. Đây là phép thực tập yêu thương.
(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)