GIÃI BÀY TẤT CẢ TÂM TƯ, DẦU CÓ KHI KHÓ KHĂN

Khi người kia biết rằng bạn đã cố gắng hết lòng tìm hiểu nguyên nhân cơn giận thì người ấy cũng sẽ hăng hái tu tập. Trong khi lái xe, nấu ăn, người ấy sẽ tự hỏi: “Ta đã làm gì, nói gì để làm cho người ấy đau khổ đến như vậy?” Người ấy sẽ có cơ hội nhìn sâu và biết rằng trong quá khứ cách hành xử của mình đã làm cho bạn giận, bắt đầu xét lại ý nghĩ cho là mình không có trách nhiệm gì trong vụ xung đột. Nếu người kia khám phá ra rằng mình đã vụng về, thấy cách hành xử của mình đã làm cho bạn giận thì người ấy phải tức thì điện thoại hay gửi tin nhắn xin lỗi bạn.

Vậy thì trong tuần bạn và người đó sẽ thấy rõ vấn đề hơn và buổi hẹn tối Thứ Sáu có thể là một cuộc gặp gỡ rất vui. Bạn và người kia sẽ có cơ hội cùng nhau ăn một bữa cơm, hay uống một tách trà, ăn một cái bánh trong niềm vui tràn đầy yêu thương.

Nếu trong tuần mà cả hai người thực tập không thành công thì buổi hẹn ngày Thứ Sáu sẽ là cơ hội để bạn thực tập lắng nghe và ái ngữ. Người đang giận có quyền nói ra tâm tư của mình. Nếu bạn là người đã làm cho người kia giận thì bạn chỉ cần ngồi nghe, bởi vì bạn đã hứa rằng bạn sẽ ngồi nghe chăm chú mà không phản ứng. Bạn sẽ cố gắng thực tập lắng nghe với tâm từ bi, lắng nghe mà không phán xét, không chỉ trích, không phân tích. Bạn lắng nghe chỉ để giúp người kia bộc lộ nỗi lòng và vơi bớt khổ đau.

Xem thêm >>> VỚI TÂM TỪ BI BẠN SẼ KHÔNG PHẠM LỖI LẦM

Khi chia sẻ nỗi khổ của mình, bạn có quyền nói ra hết tất cả cảm nghĩ tự đáy lòng mình. Bạn có bổn phận làm như vậy vì người kia có quyền được biết rõ hết tự sự. Đã có lời nguyện ước chung. Bạn nên nói cho người kia nghe tất cả những gì sâu kín trong tâm bạn, chỉ với một điều kiện là phải nói trong bình tĩnh và dùng lời ái ngữ. Ngay khi bạn cảm thấy bực bội, bất an, mất bình tĩnh thì phải dừng lại ngay. “Em ơi, anh không thể tiếp tục được nữa. Vậy chúng ta sẽ gặp nhau sau được không? Anh cần thì giờ để tập thở và thiền trong chánh niệm. Anh không thể làm tốt hơn lúc này và anh không chắc là anh sẽ nói chuyện bằng lời hoà nhã thành công với em.” Khi đó người kia sẽ đồng ý dời lại buổi họp, có thể là vào Thứ Sáu tuần sau.

Nếu bạn là người đang lắng nghe thì bạn cùng thực tập hơi thở chánh niệm. Thực tập hơi thở chánh niệm như thế để lắng nghe mà không có thành kiến. Lắng nghe với tâm từ bi, nghe hết mình để cho người kia có cơ hội vơi bớt khổ đau. Bạn có sẵn tâm từ bi và tâm từ bi ấy sẽ phát khởi khi bạn thấy người kia đang đau khổ. Bởi vậy bạn phải nguyện làm Bồ Tát Lắng Nghe Quan Thế Âm. Bồ Tát Lắng Nghe Quan Thế Âm phải là một con người thật mà không phải là một ý niệm.

(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.