Trẻ sơ sinh đặt ta vào nhịp sống mà ta đã đánh mất. Nhu cầu hợp nhất với con buộc ta phải sống chậm lại. Ta phải giữ cho mình chú tâm khi chăm sóc con, khi ru con ngủ hoặc thay bỉm cho con.
Giai đoạn thiếu-năng-suất này buộc ta phải từ bỏ mọi dính mắc về quá khứ và tương lai, chấp nhận rằng khoảnh khắc hiện tại, ngay ở đây, chính là khoảnh khắc có ý nghĩa nhất. Con mời gọi ta, “Con ở đây. Hãy ở đây bên con”.
Ta phải gạt mọi nhu cầu khác ra một bên để hoàn toàn hiện diện bên con. Chỉ khi hoàn toàn chấp nhận sự thay đổi của hoàn cảnh, ta mới thẩm thấu được vẻ đẹp mà ta đang có mặt. Những người làm cha mẹ khám phá ra rằng không có điều gì quan trọng hơn – dù đó là sở thích, bằng hữu, lối sống hay là sự nghiệp.
Ta buộc phải thay đổi tốc độ, cường độ và toàn bộ lối sống để phù hợp với tốc độ phát triển chậm chạp của con. Ta nhanh chóng nhận ra rằng đối với trẻ sơ sinh, “thành công” được định nghĩa bằng một thước đo hoàn toàn khác. Mỗi nụ cười, mỗi cái đá chân, hay mỗi cái nắm tay đều là một cột mốc đáng nhớ.
Với một số cha mẹ, việc căn chỉnh lại thước đo về sự “lớn lao” và thưởng thức những thứ nhỏ nhặt chính là một sự thay đổi lớn. Thế nhưng, con cái đã mang tới bài học tâm linh rất cần thiết khi giải phóng cái tôi khỏi dính mắc vào những điều phi thường, lớn lao, dữ dội và hoành tráng đó. Mỗi khi ta chú tâm vào những cái ợ hơi, những tiếng thở dài, cơ thể mềm mại, những móng tay bé xíu, và đôi mắt mở to, ta cảm nhận được sự phi thường trong những khoảnh khắc bình thường nhất.
Không có giai đoạn nào trong sự phát triển của con mang tới cơ hội lớn để học hỏi về sức mạnh của hiện tại như giai đoạn sơ sinh. Kể cả những bậc cha mẹ ích kỷ nhất cũng chuyển sang một trạng thái tâm hồn sâu sắc hơn. Cho dù chỉ trong một vài khoảnh khắc, khoảng trống rỗng rõ ràng mỗi khi bên con cũng chứa đựng sự tròn trịa về mặt tâm linh. Đây chính là cánh cửa dẫn đến sự thay đổi tầng năng lượng tâm linh.
Với khả năng tiếp xúc với thế giới theo cách đơn giản, trẻ sơ sinh buộc ta cũng phải bước vào trạng thái “chú tâm vào hiện tại”. Con muốn ta nựng con, bắt chước khuôn mặt con, ôm con vào lòng chỉ vì con muốn gần gũi chứ không vì lý do gì khác. Nếu hiểu được tiếng nói, có lẽ ta đã bảo con, “Con làm mẹ phải hoàn toàn chú ý đến con, gạt sang một bên mọi mệt nhọc, lo âu, định kiến và hoàn toàn hiện diện với cả thể chất, tâm trí và tâm hồn. Mẹ chưa từng biết rằng điều này khó khăn đến thế”.
Ta đánh mất cơ hội chạm vào những phần mới mẻ trong mình nếu không chấp nhận những bài học tâm linh mà con mang tới trong năm đầu đời. Khi giữ chặt những lề lối cũ, ta chỉ dành ra một phần nhỏ tâm trí trong cuộc phiêu lưu này. Để toàn tâm toàn ý tìm ra kho báu tâm linh quý giá trong quá trình phát triển của con, ta cần hít một hơi thật sâu và trầm mình xuống đại dương. Mức độ chuyển hóa nội tâm của ta hoàn toàn tỉ lệ với độ sâu mà ta lặn tới.
Ta sẽ gặt hái những quả ngọt khi bắt đầu bước vào không gian thiêng liêng của trẻ thơ với ý nghĩa tâm linh lớn lao. Không chỉ con lớn lên, chính ta cũng lớn lên. Bằng một lối sống hoàn toàn mới mẻ, ta kết nối không chỉ với con mà còn với chính nội tâm của mình, khám phá ra sợi dây kết nối bền chặt giữa ta và tất cả đời sống. Ta thực chứng được ý nghĩa của việc sống trong hiện tại, không vấn vương quá khứ, không mơ tưởng tương lai.
– Trích từ sách Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức của Tiến sĩ Shefali Tsabary –