Khi tôi nghĩ về mẹ là tôi nghĩ tới tình thương, vì giọng mẹ dịu dàng và ngọt ngào như tình thương. Ngày mất mẹ tôi ghi trong nhật ký “Thảm kịch lớn nhất của đời tôi đã xảy tới”. Ngay khi đã lớn và không còn được sống gần mẹ nữa, việc mẹ mất vẫn cho ta cái cảm giác cô đơn.
Ở phương Tây, tôi biết có nhiều bạn không nghĩ về cha mẹ mình như vậy. Tôi nghe kể nhiều cha mẹ đã gây thương tích đau đớn cho con cái mình. Nhưng tôi tin rằng không cha mẹ nào có ý muốn làm cho con cái mình đau khổ.
Tôi nghe kể nhiều cha mẹ đã gây thương tích đau đớn cho con cái mình.
Có thể chính họ đã bị cha mẹ họ gieo trồng những hạt giống đau khổ đó, và cứ vậy mà những hạt giống đó được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia. Phần lớn chúng ta là nạn nhân của một lối sống thiếu chánh niệm, do đó chỉ có sự thực tập chánh niệm mới giúp chúng ta chấm dứt những đau khổ cứ bị luân hồi từ đời này sang đời kia. Ta phải quyết tâm phá bỏ cái vòng lẩn quẩn này để con cháu ta không còn phải đau khổ vì sự trao truyền vô thức này.
Có một cậu bé mười bốn tuổi đến tu học ở Làng Hồng. Em đã kể câu chuyện như sau:
Khi em mười một tuổi, em rất giận ba của em. Bởi vì mỗi khi em đi chơi vô ý bị té và chảy máu là ba em la lối om sòm: “Đồ ngu! Đi sao mà té hoài vậy”. Em tự nhủ khi lớn lên sẽ không làm giống như ba em.
Năm ngoái, đứa em gái của em chơi với các bạn, ngồi trên xích đu và bị té rớt xuống đất. Em gái bị rách đầu gối và chảy máu. Cậu anh rất tức giận và đã muốn la lên: “Đồ ngu! Làm sao mà để té như vậy?” Nhưng em đã kịp thời dừng lại. Nhờ lâu nay đã thực tập thở có chánh niệm, mà em nhận ra được là mình đang giận và đã không để cái giận kéo mình đi. Trong khi người lớn lo săn sóc em bé gái, rửa vết thương và dán băng lại thì cậu trai bỏ đi thiền hành, vừa tập thở vừa nhận diện cái giận của mình. Em chợt khám phá ra rằng em đã hành xử giống như ba em. Em bảo tôi: “Nếu con không tìm cách chuyển hóa cái giận của con, con sẽ lại trao truyền nó cho con cái của con”.
Em còn phám phá thêm rằng có lẽ ba em cũng là nạn nhân như em. Hạt giống giận của ba có lẽ đã được ông bà trao truyền lại. Một cậu bé mười bốn tuổi mà có được nhận xét như vậy thật là quý. Đó là nhờ em đã có thực tập chánh niệm. Em bảo với tôi là em sẽ tiếp tục thực tập chánh niệm để biến cái giận thành một cái gì khác.
Một vài tháng sau thì cái giận của em không còn. Em đem thành quả này về cho gia đình. Em nói với ba em trước đây em rất giận ông ta nhưng bây giờ thì em đã hiểu. Em mong là ba em cũng sẽ thực tập chuyển hóa những hạt giống nóng giận của ba. Thông thường thì cha mẹ dạy dỗ con cái nhưng nhiều khi chính con cái lại giúp được cả cha mẹ.
Nhìn lại cha mẹ của chúng ta, chúng ta thấy thương cha mẹ hơn vì cha mẹ không có may mắn được thực tập chánh niệm để có thể chuyển hóa những khổ đau của mình. Do đó, chúng ta phải biết tha thứ cho cha mẹ mình và đem niềm vui đến cho cha mẹ. Nếu nhìn sâu và kỹ, ta sẽ thấy rằng không dễ gì mà xóa hết những vết tích mà cha mẹ trao truyền cho chúng ta.
Nhìn lại cha mẹ của chúng ta, chúng ta thấy thương cha mẹ hơn vì cha mẹ không có may mắn được thực tập chánh niệm để có thể chuyển hóa những khổ đau của mình.
Khi ta tắm, ta kỳ cọ từng phần thân thể ta và tự hỏi: “Thân thể này là của ai? Ai cho ta thân thể này? Cái gì đã được cho?” Nếu ta quán chiếu như vậy ta sẽ thấy có ba phần: người cho, người nhận và vật được cho. Người cho là ông bà cha mẹ, người nhận chính là chúng ta và vật được cho là thân thể này. Tiếp tục quán chiếu thì ta thấy rõ rằng người cho, người nhận và vật cho đều là một và đều có mặt trong thân thể ta. Thân thể ta chứa đựng ông bà cha mẹ của bao nhiêu thế hệ đã qua và cả những thế hệ sẽ tới. Thấy như vậy là ta hiểu ngay ta phải làm gì và không nên làm gì để giữ gìn chính ta, giữ gìn ông bà, cha mẹ va con cháu của chúng ta.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Nguồn: Hoa Đà Việt Nam