BẠN LÀ CON CỦA BẠN

Là cha, là mẹ chúng ta phải lắng nghe con cái. Điều này rất quan trọng bởi vì con ta chính là ta, là tiếp nối của ta. Quan trọng hơn hết là ta phải tái lập truyền thông với con cái ta. Khi đau tim hay đau bao tử, ta không bao giờ cắt bỏ tim, bao tử đi. “Mày đâu phải là tim của ta, tim của ta đâu có vậy. Mày đâu phải là bao tử của ta, bao tử của ta đâu có vậy. Ta không muốn dính dáng chi tới mày.” Như vậy là không khôn ngoan. Có thể là bạn đã nói với con trai, con gái bạn những câu tương tự. Như vậy cũng là không khôn ngoan.

Nếu bạn là một bà mẹ thì khi thai nhi bắt đầu tượng hình trong bạn, bạn cảm nhận ngay là bạn và thai nhi là một. Bạn có thể bắt đầu nói chuyện với em bé trong bụng. “Nằm yên đi con, có mẹ đây.” Bạn nói với em bé với tất cả tình thương yêu. Bạn ý thức rằng bạn ăn gì, uống gì thì em bé cũng ăn, cũng uống những thứ đó. Lo âu, hạnh phúc của bạn cũng là lo âu, hạnh phúc của em bé. Bạn với em bé là một.

Nhưng khi sinh con ra, cuống nhau đã cắt lìa, thì ý thức về sự hợp nhất giữa mẹ và con bắt đầu phai nhạt. Khi con lên mười hai, mười ba có thể bạn đã quên đứt đi rằng con bạn là bạn. Bạn nghĩ rằng con bạn là một thực thể riêng biệt. Rồi mẹ con có vấn đề với nhau. Khi có vấn đề với con bạn tin rằng con bạn là một người nào khác, là một thực thể riêng biệt. Bạn có thể nói với con: “Đi đi! Mày không phải là con tao. Con tao đâu có như mày!” Có vấn đề với con cái cũng như có vấn đề với tim, với bao tử. Nếu bạn không thể nói câu đó với quả tim, với bao tử thì lý nào bạn lại nói câu đó với con? Bụt dạy, “Không có một tự ngã riêng biệt.” Bạn và con trai bạn, bạn và con gái bạn chẳng qua là tiếp nối của bao thế hệ tổ tiên. Bạn và con bạn là những giọt nước trong cùng một dòng sông của sự sống. Tất cả hành vi của con bạn sẽ ảnh hưởng tới bạn – như khi chúng còn trong bụng. Bất cứ hành vi nào của bạn cũng sẽ ảnh hưởng tới các con bạn, bởi vì chúng không bao giờ tách lìa khỏi bạn. Hạnh phúc hay khổ đau của bạn là hạnh phúc hay đau khổ của các con bạn và ngược lại. Vì thế chúng ta phải dốc toàn lực vào việc tái lập truyền thông.

Bắt đầu một cuộc đối thoại.

Vì nhầm lẫn và vô minh mà ta nghĩ rằng chỉ có ta là người đau khổ. Ta tin rằng ác con ta không đau khổ. Nhưng sự thật là khi ta khổ thì các con ta cũng khổ. Ta có mặt trong mỗi tế bào của con trai, con gái của ta. Cũng thế, bất cứ cảm xúc nào, bất cứ nhận thức nào của con ta cũng là cảm xúc, nhận thức của ta. Vậy thì chúng ta phải nhớ lấy tuệ giác mà ta đã có từ đầu khi mang thai, đó là: con trai ta, con gái ta với ta là một. Hãy bắt đầu một cuộc đối thoại với con trai, con gái của bạn!

Trong quá khứ có thể là ta đã có nhiều sai lầm. Ta đã làm cho bao tử của ta đau bệnh. Cách ta ăn uống, những lo âu, phiền muộn của ta ảnh hưởng nặng nề bao tử, tim, ruột của ta. Ta chịu trách nhiệm với bao tử, tim, ruột của ta. Cũng thế, ta chịu trách nhiệm với con trai, con gái của ta. Bạn không thể chối bỏ trách nhiệm. Khôn ngoan hơn, bạn đến với con và nói: “Con ơi, ba biết rằng con đã khổ nhiều. Trong những năm qua ba cũng đã khổ. Khi con khổ thì ba cũng khổ. Ba đâu có vui được khi con khổ. Ba đã nhận ra rằng cả hai cha con ta đều khổ. Chúng ta có thể nói chuyện với nhau được không? Ba rất muốn tái lập truyền thông, nhưng một mình ba, ba không làm được gì, ba cần con giúp.”

Là cha, là mẹ, nếu bạn nói được những câu như thế với con cái thì tình thế sẽ thay đổi vì bạn đã sử dụng ngôn ngữ của thương yêu. Lời nói phát xuất từ thương yêu, hiểu biết và giác ngộ. Giác ngộ rằng bạn và con bạn là một, rằng hạnh phúc và an vui không phải là một vấn đề cá nhân. Điều đó liên hệ cho cả hai bên, cho bạn và con bạn. Vậy thì những lời nói của bạn phải được xuất phát từ tình thương yêu, từ sự hiểu biết rằng không thể có một tự ngã riêng biệt. Bạn có thể nói được như thế là vì bạn đã hiểu rõ bản tính chân thật của bạn và con bạn. Con cái bạn là như vậy vì bạn là như vậy, bạn và con bạn tương tức. Con trai bạn là như vậy vì bạn là như vậy, bạn và con trai bạn không thể tách rời.

Xem thêm >>> BỨC THƯ TÌNH

Hãy thực tập nghệ thuật sống chánh niệm. Hãy thực tập như thế nào để có đủ khôn khéo mà tái lập truyền thông. “Con thân yêu ơi, ba biết rằng con cũng là ba. Con là tiếp nối của ba và khi con khổ thì không thể nào ba sung sướng. Hai cha con ta hãy cùng nhau chỉnh đốn lại mọi sự. Con hãy giúp ba.” Người con cũng có thể nói những câu tương tự bởi vì nó đã biết rằng ba nó đang đau khổ thì nó cũng không thể nào hạnh phúc. Nhờ thực tập chánh niệm mà người con có thể nắm được sự thật là không thể có một tự ngã riêng biệt và sẽ học cách tái lập truyền thông với ba mình. Có khi chính người con là người bắt đầu trước.

Vợ chồng cũng vậy. Vợ chồng đã cam kết sống với nhau như một. Đã từng thề nguyền là sẽ cùng nhau chia sẻ hạnh phúc cũng như đau khổ, thì khi nói với người bạn đường rằng mình cần giúp sức để làm mới thì đó cũng chỉ là để tiếp tục lời thề năm xưa. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có khả năng nói như thế, nghe như thế.

(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *