Chúng ta phải như một bà mẹ luôn luôn lắng nghe tiếng con khóc. Một bà mẹ ở trong bếp nghe tiếng con khóc liền buông bỏ tất cả để chạy vào phòng con. Dầu đang nấu một nồi canh ngon, bà cũng bỏ đó mà đến với em bé. Sự hiện diện của bà mẹ đầy ấm áp, lo lắng, dịu hiền giống như những tia ấm mặt trời. Việc trước nhất là bà ẵm em bé lên và ôm em vào lòng. Khi bồng con, ôm ấp con, năng lượng yêu thương của mẹ thấm vào cơ thể con và thoa dịu con. Đây chính là điều mà chúng ta phải thực tập khi cơn giận bắt đầu xuất hiện trong ta. Phải buông bỏ tất cả những gì đang làm, bởi vì điều quan trọng nhất lúc này là trở về với thâm tâm mà chăm sóc em bé sân hận. Không có gì cấp thiết hơn việc chăm sóc em bé sân hận trong ta.
Hãy nhớ lại hồi thơ ấu, khi chúng ta bị sốt. Mặc dầu đã được cho uống bao nhiêu thuốc nhưng không có gì làm cho ta cảm thấy khỏe khoắn hơn việc mẹ vào đặt tay lên trán. Dễ chịu làm sao! Bàn tay mẹ như bàn tay thiên thần. Bàn tay truyền mát dịu và thương yêu vào cơ thể. Bàn tay của mẹ chính là bàn tay của bạn hôm nay. Nếu có chánh niệm, nếu thực tập hơi thở có ý thức, bạn sẽ nhận ra rằng bàn tay của mẹ vẫn đang sống động trong bàn tay mình. Rồi nếu đặt tay mình lên trán thì đó chính là bàn tay của mẹ với bao thương yêu dịu hiền. Khả năng thương yêu, dịu hiền của mẹ vẫn còn đó trong bạn ngày hôm nay.
Mẹ ẵm em bé trong tay với tất cả chánh niệm, chú tâm. Em bé sẽ cảm thấy an ổn vì được mẹ ấp ủ, như một bông hoa dưới ánh mặt trời. Nhưng mẹ không phải chỉ ẵm em bé thôi mà còn để ý tìm xem có gì xảy ra cho em bé, và mẹ đã tìm ra rất nhanh, nhờ tình thương, nhờ tài ba của mẹ. Mẹ quả thật là một chuyên gia giỏi chăm sóc em bé.
Là một hành giả thiền tập, chúng ta cũng phải là những chuyên gia giỏi chăm sóc cơn giận. Chúng ta phải chăm sóc sân hận, phải thực tập cho đến khi chúng ta hiểu rõ nguồn gốc và sự vận hành của tâm sân hận trong ta.
Khi bồng em bé trong tay, bà mẹ khám phá ra một cách dễ dàng lý do vì sao em bé khóc (nóng sốt, đói sữa hay ướt tã) và biết ngay cần phải làm gì để cho em bé êm trở lại.
Xem thêm >>> TÌM HIỂU BẢN CHẤT CỦA CƠN GIẬN
Chúng ta cũng vậy. Để đối trị với giận, ta phải ôm ấp cơn giận như bà mẹ ôm ấp em bé. Ta theo dõi hơi thở, đi thiền hành để ru dịu cơn giận. Năng lượng chánh niệm sẽ thấm vào cơn giận cũng như năng lượng của bà mẹ thấm vào em bé. Và cũng như bà mẹ, ta biết ngay là cần phải làm gì để cơn giận em dịu. Chẳng có gì khác. Nếu biết thực tập hơi thở, nụ cười chánh niệm và bước chân chánh niệm thì chắc chắn là ta sẽ phụ hồi bình an trong vòng năm, mười, mười lăm phút.
(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)