TIẾP XÚC VỚI NHỮNG GÌ NHIỆM MÀU

Chúng ta có khuynh hướng nghĩ tới chuyện buồn đau, chú ý tới mặt buồn đau. Làm như vậy là mời hạt giống buồn đau lên, tưới tẩm những hạt giống buồn đau, thất vọng và gieo thêm những hạt giống buồn đau mới.

Những cái đẹp, lành và tươi mát lúc nào cũng có mặt khắp nơi

Tại sao ta không thực tập tiếp xúc với những gì tươi mát, tốt lành trong ta và ngoài ta? Những cái đẹp, lành và tươi mát lúc nào cũng có mặt khắp nơi, nhưng tại vì ta cứ hay giam mình trong cái nhà tù buồn bã của ta nên ta không có cơ hội tiếp xúc với những mầu nhiệm đó.

Cuộc sống chung quanh ta đầy những mầu nhiệm, bầu trời xanh, ánh nắng trong và nụ cười hồn nhiên của em bé có thể cho ta biết bao niềm vui. Hơi thở của ta cũng rất tuyệt diệu, nó cho ta sự sống mỗi ngày. Thế mà có người đợi khi bị suyễn hay bị nghẹt mũi rồi mới thấy hơi thở là quý. Sống có chánh niệm là biết trân quý từng giây phút của hạnh phúc.

Hạnh phúc lúc nào cũng có mặt trong ta và ngoài ra, chỉ cần có chánh niệm là ta nhận diện được nó dễ dàng

Hạnh phúc lúc nào cũng có mặt trong ta và ngoài ra, chỉ cần có chánh niệm là ta nhận diện được nó dễ dàng. Và khi ta nhận diện được nó thì những hạt giống an vui, tươi mát, lành mạnh càng phát triển mạnh mẽ trong ta. Dù ở đâu, bất cứ nơi nào, ta cũng có thể thưởng thức được một tia nắng ấm, một hơi thở ngọt ngào hay sự hiện diện của một người thương. Ta đâu cần phải đi đâu xa, ta chỉ cần có chánh niệm là hạnh phúc có thể có mặt trong tầm tay.

TRÁCH MÓC KHÔNG GIÚP ĐƯỢC GÌ

Nếu ta trồng cải xà lách, mà cải xà lách mọc không tốt, thì ta đâu có trách móc cải xà lách đâu.

Bởi vì ta có thể tìm biết nguyên do từ đâu cải xà lách không mọc tốt: có thể nó thiếu nước, có thể nó cần thêm phân, có thể vì nắng nhiều quá. Ta hiểu vậy nên ta không trách móc cây cải xà lách.

Trách móc qua lại không có lợi ích gì hết

Thế mà khi ta có vấn đề với gia đình hay với bạn bè, ta lại trách móc đổ lỗi cho nhau. Nếu ta không chăm sóc nhau kỹ lưỡng thì chúng ta cũng không mọc lên được tốt tươi như những cây xà lách vậy. Cho nên trách móc qua lại không có lợi ích gì hết. Chỉ cần hiểu là đủ, không cần lý luận phân trần. Khi bạn chứng tỏ mình hiểu được và mình thương được là tình thế thay đổi ngay tức khắc.

Trong một khóa tu ở Paris, một hôm tôi nói pháp thoại về cây cải xà lách. Sau khi pháp thoại, tôi đi thiền hành một mình. Khi đi ngang qua một góc vườn, tôi nghe một em bé gái tám tuổi nói với mẹ: “Mẹ ơi, con là cây cải xà lách của mẹ đó nhé. Mẹ nhớ tưới nước cho con nhé!” Tôi rất vui khi thấy em bé hiểu tường tận ý của tôi. Sau đó tôi nghe bà mẹ trả lời: “Đúng rồi mẹ sẽ nhớ nhưng con cũng đừng quên rằng mẹ cũng là cây xà lách của con đó nghe. Vậy con cũng phải nhớ tưới cho nó nhé!”

Thật đẹp thay khi cả mẹ và con đều cùng thực tập.

Thích Nhất Hạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *