“Leave your parents” – đó là một trong các tư tưởng xuyên suốt của thầy tôi. Hãy rời bỏ bố mẹ, và sự rời bỏ này cần được hiểu là rời bỏ trong tâm trí. Câu chuyện sau đây sẽ minh họa một phần triết lí này: đoạn hội thoại ấn tượng mà tôi ghi lại giữa thầy và một bạn gái.
Cô gái: “Con đang ở trong mối quan hệ, nhưng luôn ám ảnh bạn trai sẽ phản bội mình lúc nào đó. Có lẽ bởi ngày xưa bố con đã ngoại tình và bỏ rơi mẹ. Giờ con không còn hận bố nữa, con đã cho phép ông sống cuộc đời của mình. Nhưng chính vì con chấp nhận điều đó ở bố, nên cũng mang ám ảnh chuyện phản bội có thể xảy đến với mình bất kì lúc nào.”
Thầy: “Xin dừng một chút. Tôi muốn bạn chú ý cách bạn dùng từ. Tại sao bạn nghĩ mình có thể “cho phép” bố sống cuộc đời của ông ấy? Từ lúc nào con cái có quyền cho phép bố mẹ chúng làm gì đó? Ông ấy dĩ nhiên sẽ sống cuộc đời của ông ấy, dù bạn cho phép hay không.”
Cô gái: “Vậy con nên tiếp tục trách bố? Hay thông cảm cho ông?”
Thầy: “Bạn không nên làm bất kì điều gì trong hai điều đó. Con cái đừng nên đứng về bất kì phe nào giữa hai phụ huynh. Nếu đứng về bất kì phe nào, bạn cũng đều phải trả giá, cái giá là chính cuộc đời bạn. Khi bạn chọn trách bố, nghĩa là đứng về phe mẹ – bạn sẽ mang theo nỗi đau của mẹ – bạn sẽ luôn oán trách đàn ông. Khi bạn đứng về phe bố – bạn thông cảm cho hành động của bố – bạn sẽ vô thức cho rằng hành vi đó “chấp nhận được”, và luôn sợ nó có thể xảy ra với mình bất kì lúc nào.”
Cô gái: “…”
Thầy: “Bạn hiện tại có sống cùng bố hoặc mẹ không?”
Cô gái: “Con sống cùng mẹ để chăm sóc cho mẹ, con không thể để mẹ một mình sau những đau đớn mẹ phải chịu vì chuyện của bố con.”
Thầy (nhìn xuống khán phòng): “Mọi người thấy không, đó là lí do cô ấy thống khổ. Cô ấy cố chọn một phe, một quan điểm để nhìn nhận chuyện của bố mẹ mình, nhưng không thể. Một nửa cô ấy chọn thông cảm cho bố, một nửa cô ấy thấy bất công cho mẹ. Cô ấy chưa từng rời bỏ bố mẹ mình. Cô ấy đang dùng cuộc đời mình để trả giá cho cuộc đời của bố mẹ.”
Cô gái: “Vậy con nên làm gì với mẹ con đây, con rất thương mẹ con.”
Thầy: “Điều duy nhất bạn có thể làm, là rời bỏ bà ấy. Tôi muốn bạn làm một nghi lễ này trong tâm tưởng mình. Hãy nghĩ về mẹ và gửi cho bà một thông điệp “Con để nỗi đau của mẹ lại cho mẹ, cùng với tình yêu của con”.”
(Khán phòng im lặng một lúc).
Thầy: “Giờ hãy nói về mối quan hệ của bạn với bạn trai hiện tại.”
Cô gái: “Con luôn lo sợ bất an, nhưng không dám rời bỏ anh ấy.”
Thầy: “Bạn có yêu anh ấy không?”
Cô gái: “… Con đôi lúc không chắc, nhưng anh ấy là người chăm lo cho con rất đầy đủ.”
Thầy: “Tôi sẽ hỏi điều này. Ngày trước mẹ bạn có thực sự muốn cưới bố bạn không?”
Cô gái (nghĩ một lúc): “Mẹ con kể ngày đó chưa có cảm tình với bố, nhưng chọn bố vì biết bố sẽ chăm lo tốt cho mình.”
Thầy: “Bạn thấy rồi đấy, đó chính là câu trả lời.”
Cô gái: “…”
Thầy: “Bạn đang lặp lại những lựa chọn của mẹ mình.”
(Cô gái bắt đầu khóc).
Thầy: “Bạn hiểu ý tôi không. Bạn phải rời bỏ bố mẹ mình – rời bỏ từ trong tâm trí. Đừng mang những nỗi đau, những sai lầm, những sợ hãi, những gánh nặng, những kì vọng của họ vào cuộc đời mình. Đừng dùng cuộc đời mình để trả giá cho cuộc đời họ. Để rời bỏ được họ, thì thái độ duy nhất bạn nên dành cho họ, là tôn trọng những lựa chọn của họ. Tôn trọng, và chỉ thế thôi. Không oán trách. Không tha thứ. Không thất vọng. Không tán thành.”
Tôi vẫn mong những lời thầy nói có thể tìm đến tất cả những đứa con trên cõi đời này đã chứng kiến sai lầm/tội lỗi của bố mẹ chúng. Đã thấy bố mẹ chúng không chung thuỷ, nghiện ngập, phạm pháp, bạo lực. Đã thấy họ làm đau nhau, hoặc làm đau trực tiếp đứa con mình. Đã sụp đổ, đã hoang mang không biết phải chọn thái độ nào mà nhìn nhận tất cả điều đó. Oán trách, cảm thông, hay chấp nhận?
Nếu bạn là một trong những đứa con ấy, từ nay bạn đã hiểu: bất cứ thái độ nào cũng chỉ gây hại cho bạn, và tiềm tàng những thống khổ bạn thậm chí suốt đời không nhận ra.
Điều duy nhất bạn có thể làm, và nên làm, là tôn trọng những lựa chọn của bố mẹ trong cuộc đời họ. Tôn trọng, không phải kính trọng hay ngưỡng mộ.
Tôn trọng, nghĩa là hiểu họ đã có lí do của họ trong mỗi lựa chọn/hành động, với những hoàn cảnh họ ở trong, cùng những khả năng họ có. Và chỉ vậy mà thôi, không gì trong số những hoàn cảnh/khả năng/lựa chọn ấy can dự đến đời bạn.
Bạn chắc chắn sẽ không để những lựa chọn của cuộc đời bố, hay cuộc đời mẹ ảnh hưởng lên cách bạn nhìn và sống cuộc đời mình.
Hãy rời bàn tay họ, sau khi chắc chắn mình đã đặt vào đó chỉ một thứ – tình yêu.
Chữa Lành Gì Thế – Trích từ thư gửi Lay.