LÀM SAO ĐỂ KIỂM SOÁT SỰ LO LẮNG?

Bất an là biểu hiện phản ứng của ta với những nhận định chủ quan. Để giữ gìn các mối quan hệ, cách duy nhất là luôn tự ý thức rằng ta đang có sự bất an trong lòng.

Mỗi khi thấy lo lắng, một yếu tố nào đó nằm sâu trong nội tâm ta đã bị kích hoạt. Nếu luôn luôn tỉnh thức trong mọi khoảnh khắc, ta biết tự hỏi “Tại sao mình lại bị giao động?” Khi đặt được câu hỏi đó, ta sẽ cởi mở hơn, cẩn trọng hơn để tránh trút nỗi lo lắng của ta lên người khác. Nỗi bất an có nguồn gốc từ bên trong ta và sẽ tiếp tục hiện hữu cho dù người hay vật trước mắt có xuất hiện hay không. Nếu không phải là trường hợp này, một hoàn cảnh khác cũng sẽ làm ta bị kích động.

Lo lắng là một trạng thái cảm xúc tự nhiên. Ta cần chấp nhận và yên lặng quan sát thay vì cố gắng kiểm soát. Cách trị liệu căn bản nhất là dành thời gian, không gian cho sự lo lắng được hiện hữu. Nếu không học cách quan sát, ta dễ bị cuốn theo nó và hành động một cách mù quáng. Cách cư xử của ta với mọi người hoặc là thiển cận, khó đoán, hoặc ngược lại, rơi vào trạng thái trầm cảm. Cả hai chiều hướng đều để lại những hậu quả nặng nề. Chỉ có sự tỉnh thức mới giúp ta thoát khỏi lo lắng tránh trút giận lên đầu người khác.

Cuộc đời có tính cách tự thân. Dù cố gắng kiểm soát tới đâu, đời vẫn luôn có sức mạnh riêng vượt lên trên logic con người. Khi đi tắm biển, ta để mặc nước đưa đẩy bản thân mình. Ta không đặt câu hỏi “Sao con sóng này cao thế?” Ta mặc định rằng mình không có quyền điều khiển biển khơi. Ngược lại, ta tìm thấy niềm phấn khích trong sự bất định của sóng. Vậy cớ sao ta không chấp nhận cơ chế này trong các mối quan hệ của ta? Cuộc đời cũng như những con sóng biển không tự mang trong mình tính thiện hay ác. Cách duy nhất để sống trọn vẹn là chấp nhận tính cách tự thân này của cuộc sống. Khi đó, sự bất an sẽ tự động được gột sạch. Cơn đại hồng thủy chỉ dâng lên khi ta tìm cách chống cự.

Sự bất an của Peter đẩy ông vào thế đối đầu hằng ngày với con trai. Những mâu thuẫn nhỏ biến thành cãi vã, rồi leo thang thành những sự kiện đáng tiếc. Giá như Peter giữ thái độ trung tính, uyển chuyển theo tình huống và tìm kiếm sợi dây kết nối với con, phản ứng của Andrew đã hoàn toàn khác. Có lẽ Andrew đã cân nhắc hơn về hậu quả hành vi của mình, thiện chí sửa chữa những lỗi lầm. Thay vì vậy, cậu bé phó mặc cho bố trong trạng thái dễ bị kích hoạt như thế.

Khi xuất phát từ trạng thái dễ bị kích động, không có ai là người chiến thắng. Những tấn bi kịch của cảm xúc chỉ có thể mang tới đau khổ. Chúng ta tự tạo ra những vết thương. Ta sẽ mãi lạc lối trong vũng lầy của những khuôn khổ cảm xúc tệ hại nếu không học được cách bứt phá ra khỏi lối suy diễn tiêu cực đó.

Điều may mắn là cuộc đời cũng chính là đối tác thiện chí tuyệt vời hỗ trợ ta trên hành trình của lối sống tỉnh thức. Đời nâng đỡ từng bước chân và ta chỉ cần mở lòng đón nhận. Một điểm cộng nữa là trẻ con cũng cực kỳ dễ thay đổi. Khi ta sống tỉnh thức, có một điều chắc chắn rằng con cũng sẽ trưởng thành cùng ta, cho dù hành trình đó không ít chông gai. Biết như vậy để ta dấn bước mà không e ngại, tin tưởng rằng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với ta và con cái.

– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –

Xem thêm >>> CUỘC ĐỜI LÀ NGƯỜI THẦY CỦA TA