Khi trao cho con sự chấp nhận mà chúng xứng đáng có được, ta sẽ chạm tới kho báu mà mọi hoạt động tâm linh hướng tới: cơ hội từ bỏ cái tôi.
Là cha mẹ, thật khó để không bị dính mắc bởi cái tôi. Chỉ cần nói “Đây là con tôi”, thế là ta đã đặt chân vào cái tôi. Trên thực tế, hầu như ta không thể thoát khỏi cái tôi khi đề cập đến con cái, bởi chẳng có điều gì trên đời làm ta cảm thấy liên quan mật thiết đến mình hơn việc chúng học hành ra làm sao, ăn mặc thế nào, chúng cưới ai, chúng sống ở đâu hay chúng làm nghề gì. Hiếm có cha mẹ nào không xem con cái là một sự nối dài cái tôi của chính họ.
Dù trong hầu hết trường hợp đều là vô tình, nhưng hệ quả là ta dễ dàng rơi vào cái bẫy của việc lợi dụng con để bù đắp cho nhu cầu của chính ta, trong khi vẫn tưởng rằng ta đang yêu thương con, hi sinh cho con và dưỡng dục con. Ta lợi dụng chúng để hàn gắn cái tôi bị tổn thương, bắt chúng đóng những vai không phù hợp trong gia đình, làm ta cảm thấy có giá trị và phóng đại ảo tưởng của ta lên thế giới xung quanh.
Nếu toàn bộ sự tồn tại của ta chính là hình ảnh ta mang trong đầu, mọi sự thay đổi đều đe dọa cái tôi đó, vì vậy ta càng bảo vệ quyết liệt và hy vọng rằng những người xung quanh sẽ phải vì mình mà thay đổi.
Cái tôi thể hiện mỗi khi ta tự trói mình vào bất kỳ mô thức suy nghĩ hay hệ thống tư tưởng nào. Ta thường không nhận ra mình bị trói buộc cho đến khi bị kích động về mặt tình cảm. Tuy nhiên, trên thực tế, bất kì thời điểm nào mà sự tức giận, sự kiểm soát, sự áp đặt, sự buồn bã, lo âu, thậm chí cả khi cảm xúc tích cực như hạnh phúc xâm chiếm và ta thấy chỉ có mình “có lý”, ta đều đang sống trong cái tôi. Khi hành động với trạng thái “có lý” cứng ngắc này, ta áp đặt cho thực tại những giả định, những ý tưởng, những định kiến sẵn có. Nếu hoàn cảnh hay con người xung quanh không “chiều” theo ý ta, ta phản ứng nhằm giành lại quyền kiểm soát, áp đặt của mình.
Sống bằng cái tôi, ta không thể nhìn những người xung quanh bằng bản chất, bằng tâm hồn của họ. Một ví dụ kinh điển là Stuart, bố của Samuel – một chàng trai trẻ luôn tràn đầy năng lượng, vui tươi và lanh lợi. Samuel đặc biệt giỏi về diễn xuất và chỉ mơ được học trường sân khấu điện ảnh. Stuart phản đối. Là người nhập cư thế hệ đầu tiên, cả đời anh đã làm những công việc chân tay bấp bênh, rẻ rúng, khiến anh không mong gì hơn ngoài việc con mình có sự bình yên của một công việc ổn định, chứ không phải sự mông lung và mong manh của nghề diễn.
Đến thời điểm đăng ký đại học, Samuel muốn chọn những trường có chương trình đào tạo tốt nhất về diễn xuất, trong khi bố nhất định muốn con học về kinh doanh. Hai người tranh cãi mỗi ngày. Cuối cùng, Stuart đe dọa rằng nếu Samuel nộp đơn học diễn xuất, ông sẽ không chu cấp học phí và từ mặt con. Khi Samuel nhận ra điều này có ý nghĩa quá lớn với bố, cậu đành chấp nhận. Vốn dĩ là một chàng trai thông minh, ngay lập tức cậu được nhận vào học trường kinh doanh Comlumbia và có một sự nghiệp rực rỡ.
Mặc dù Samuel chịu quyết định về việc từ bỏ con đường diễn xuất, cậu vẫn buồn vì bố chối bỏ niềm đam mê của mình. Đời sống văn phòng hào nhoáng không bù đắp được niềm vui và cảm giác có ý nghĩa mà cậu cảm thấy khi đứng trên sân khấu. Đối với cậu, diễn xuất là tiếng lòng – là một biểu hiện của con người thật sự, của bản chất tâm hồn. Thế mà giờ đây, ngập đầu trong những khoản vay sinh viên, vay mua nhà, cậu cảm thấy không còn khoảng trống nào để chuyển hướng.
Bố của Samuel đã dạy con đơn thuần bằng việc phóng chiếu tâm trí của ông. Nằm sâu dưới nỗi lo âu về lựa chọn nghề nghiệp của con là mô thức cảm xúc ông mang sẵn trong đầu: “Bếp bênh là không tốt”. Là thế hệ nhập cư đầu tiên bị sự lo lắng khống chế, ông quay sang cố kiểm soát số mệnh của con mình.
Nếu những trụ cột của cái tôi vẫn còn vững chãi, như trường hợp bố của Samuel, ta sẽ mãi vật lộn để sống vô tư; và nếu không thể sống vô tư, ta chẳng thế giúp con sống an nhiên được.
Dạy con với cái tôi tức là tự che mắt mình bằng ảo tưởng rằng trên đời chỉ có mình đúng. Hệ quả là ta thúc ép con – như trường hợp của Samuel – sống với thế giới của ta, đồng thời đánh mất cơ hội sống với thế giới của con. Điều đáng buồn là ta chỉ cảm thấy mình có năng lực khi con nằm dưới sự áp đặt, ngoan ngoãn vâng lời của ta.
Mọi thứ liên quan đến cái tôi chính là mặt nạ che đậy những nỗi sợ của ta, trong đó nỗi sợ lớn nhất là đầu hàng trước bản chất bí ẩn của chính sự sống. Khi sống bằng cái tôi giả, ta không chạm được đến cốt lõi của tâm hồn con. Kết quả là chúng lớn lên hoàn toàn xa lạ với bản chất của chính mình và mất niềm tin vào sự gắn kết thế giới. Bản chất thánh thiện, vô tư không tì vết của con bị che khuất bởi nỗi sợ hãi. Bởi vậy, cái tôi của ta cần phải được dẹp bỏ để bản chất độc đáo của con hiện ra và mở đường để con trưởng thành đúng với con người thật của chúng.
Nếu ta từ bỏ được cái tôi và chỉ quan sát quá trình con lớn lên khi cuộc sống dần mở ra trước mắt, chúng sẽ trở thành người thầy của ta. Nói cách khác, sống tỉnh thức cho phép ta thôi xem con là trang giấy trắng để ta mặc sức vẽ ra hình ảnh mà ta muốn có, mà ngược lại, xem chúng là những người bạn đồng hành, giúp ta thay đổi y hệt như ta đang thay đổi chúng.
Vấn đề nằm ở chỗ ta có chịu từ bỏ ý nghĩ rằng mình “biết”, chịu bước xuống khỏi cái bục quyền lực và để cho mình học hỏi từ những con người nhỏ bé, để hiểu rằng ai mới chính là những người sống tỉnh thức, vô tư nhất?
Sống với bản chất của mình có nghĩa là liên tục chuyển hóa, ý thức rằng ta luôn trong dòng chảy, luôn là một tác phẩm đang hoàn thiện. Bản chất chân thật giúp ta nghe được tiếng nói sâu sắc và tĩnh lặng của tâm hồn ẩn mình dưới những ồn ào của cuộc sống. Mặc dù được thực tại khách quan nâng đỡ và dẫn đường, bản thể của ta có thể tồn tại mà không cần đến môi trường xung quanh. Cái nó cần hơn là sự hòa hợp với tâm trí và sự kết nối với cơ thể trong mỗi khoảnh khắc.
Khi sống với bản chất của mình, ta vẫn có thể duy trì những mối quan hệ, nhà cửa, xe cộ và những tiện nghi khác vốn dĩ hấp dẫn cái tôi (những thứ mà bố của Samuel mong muốn con mình có được), nhưng mục đích của chúng lại hoàn toàn khác biệt. Nếu phải phụ thuộc vào những mối quan hệ, vào nhà cửa, xe cộ và thế giới bên ngoài để có hạnh phúc, ta trở thành nô lệ của cái tôi. Nếu chúng ta phụng sự những người xung quanh thông qua việc đạt được mục tiêu của mình, chúng đưa ta đến gần hơn với bản thể của mình.
– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –
Xem thêm >>> THỔI BAY CÁI TÔI (PHẦN II)