SỰ VẬN HÀNH CỦA NHÂN QUẢ

Theo Phạn ngữ, Karma có nghĩa là hành động. Bất cứ một hành động nào như cử chỉ (thân), lời nói (khẩu) hay ý nghĩ (ý) cũng đều tạo ra một phần phản lực (nghiệp). Hành động dựa trên ý thức. Do đó, giữa nghiệp và thức có mối tương quan chặt chẽ với nhau.

Thức thuộc về phạm trù tinh thần. Có thể tạm chia làm sáu phần: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Ngoài ra còn thức thứ bảy là căn thức và thức thứ tám là tàng thức.

Nghiệp lực được tạo ra do thức thứ sáu (ý thức) vì nó tạo ra sự phân biệt, do đó còn gọi là phân biệt thức. Chính thức thứ sáu này phân biệt phải trái, tốt xấu, đúng sai… Năm thức trước (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) không phân biệt, chỉ là nhận thức các cảm giác, nên không tạo nghiệp.

Khi các cảm giác này diễn ra, thức thứ sáu sinh ra các ý niệm phân biệt và hợp tác với thức thứ bảy (căn thức)  để tạo thành nghiệp nhân. Khi một nghiệp nhân xảy ra, nó có thể đem lại một hậu quả ngay trong lúc này hay có thể xảy ra ở một lúc khác. Một nhân có thể tạo ra quả ngay trong đời này hoặc có thể chờ đến đời sau. Tuy nhiên, đã gây ra nhân gì thì gặt quả đó. Trồng đậu thì được ăn đậu, trồng dưa thì được ăn dưa. Không thể có việc trồng đậu mà lại ra quả dưa được. Nghiệp nhân gây ra trong kiếp này đôi khi được lưu trữ trong thức thứ tám (tàng thức) và tác động ở khiếp sau.

Nói cách khác, từ kiếp sống này qua kiếp sống khác, cái duy nhất được duy trì là nhân (chủng tử) được lưu trữ trong tàng thức. Chính tàng thức chứa đựng tất cả chủng tử của nghiệp lực và chúng tiếp tục đi theo mỗi cá nhân như bóng với hình, từ kiếp này qua kiếp khác.

Theo quan niệm của Phật giáo thì sự sống con người được hình thành bằng ba thực thể: sinh lực, hơi ấm và tàng thức. Sinh lực giúp người ta sống, hơi ấm là sự chuyển động của sinh lực tạo ra năng lượng, và tàng thức ảnh hưởng đến đời sống của mọi người theo luật Nhân quả. Khi sinh lực cạn dần, người ta sẽ già và chết. Khi chết, hơi ấm mất đi và cái cuối cùng ra đi là tàng thức. Nó sẽ dẫn dắt người ta đi vào đời sống ở kiếp khác.

Vì trong đời sống hàng ngày con người tạo nghiệp tốt hay xấu qua ý nghĩ, lời nói và hành động, nên những chủng tử của nghiệp lực này được lưu giữ trong tàng thức. Một số chủng tử hoạt động không ngừng, ảnh hưởng qua bảy thức trên (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý, căn), tạo thành tính tình, năng khiếu, thói quen của một cá nhân, vì bất cứ hành động nào (nghiệp nhân) cũng tạo ra những phản lực (nghiệp quả).

Tuy nhiên, một số chủng tử tiềm ẩn trong tàng thức không phát động ngay mà chờ đến thời điểm thuận tiện khác nên con người tiếp tục trải qua kiếp sống này đến kiếp sống khác. Khi có đủ duyên, những chủng tử này phát động theo luật Nhân quả dưới một dạng thức khác. Thể xác có thể là một người, hay cũng có thể là một con vật do sự dẫn dắt của nghiệp lực.

Theo quan niệm của Phật giáo, kiếp sống hiện nay chẳng phải là kiếp sống đầu tiên hay cuối cùng, mà chúng ta đã sống hàng trăm, hàng triệu kiếp sống trước đây và sẽ có vô số kiếp sống sau nữa. Kiếp sống con người thì có hạn, kéo dài cao lắm là tám chục năm hay một trăm năm, nhưng tàng thức thì không bao giờ hết, kéo dài liên tục và đó chính là vòng luân hồi vô tận mà Đức Phật đã chỉ rõ trong giáo lý của ngài.

Vậy là thế nào để hóa giải các nghiệp lực trước đây?

Nếu con người biết chuyển hóa thức thứ tám, biến thức này thành trí thì ắt sẽ vượt ra khỏi sự kiềm tỏa của nghiệp thức. Điều này đòi hỏi phải có công phu tu luyện, và chỉ có cách duy nhất này thôi. Dĩ nhiên, sự tu luyện có nhiều lối, người thích tu Thiền, người thích tu Tịnh, người thích tu Mật…tùy theo căn cơ mỗi người.

– Trích từ sách Muôn Kiếp Nhân Sinh, tác giả Nguyên Phong –