Tự chủ có lẽ là yếu tố tâm lý quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta. Dù ta luôn nghĩ mình phải kiểm soát được bản thân bằng mọi giá, dù người khác hành xử thế nào, dù ta đang hành động ra sao hay dù có bất kỳ vấn đề gì khác, thì cái tôi giả vẫn có thể bám víu vào niệm tưởng này và không chịu buông bỏ. Hậu quả là ta tự gây ra những tổn thương tình cảm, những nghi ngờ và bất mãn cho mình.
Vì ta tập trung quá nhiều sự chú ý vào việc kiểm soát cuộc đời mình nên cuối cùng, ta không thể kiểm soát được nó, ta càng cố gắng điều khiển mọi thứ, ta càng cảm thấy mất kiểm soát. Và như một vòng tròn lẩn quẩn, những ai hay cảm thấy bị mất kiểm soát nhất thường bị ám ảnh với nhu cầu phải kiểm soát được mọi thứ.
Còn có thể gọi sự kiểm soát bằng một cái tên khác là “sự ràng buộc”. Những người thông thái đều hiểu rằng sự ràng buộc hay nhu cầu được kiểm soát mọi thứ là gốc rễ của mọi đau khổ. Tất nhiên, đau khổ là một phần của cuộc sống, và ai cũng cần trải qua vài nỗi đau trước khi có thể bắt đầu tìm kiếm những hướng đi đúng đắn. Sự đau khổ có thể chỉ cho ta tới con đường của sự bình yên trong tâm hồn. Một hướng đi khác gần như luôn xoa dịu được nỗi đau khổ của chúng ta là sự buông xả: chúng ta buông bỏ cái tôi giả của mình và buông bỏ niềm tin rằng mình có thể kiểm soát mọi thứ.
Khi chúng ta cố gắng chống cự thực tại, tổn thương tất yếu sẽ xảy ra. Chỉ khi nhận thức được rằng một trong những cách chữa lành hiệu quả nhất là buông bỏ nhu cầu kiểm soát mọi thứ mới giúp ta giành lại sự tự do cho cái Tôi đích thực của mình. Sự “buông bỏ” ở đây không mang nghĩa “đầu hàng” hay “bỏ cuộc” như trong những cuộc chiến; mà nó hàm ý một cuộc đấu tranh nội tâm, khi một cá nhân từ bỏ những nỗ lực vô nghĩa dành quyền kiểm soát để chấm dứt những tổn thương không đáng có của mình. Điều quan trọng là, chúng ta sống với nguyên tắc này như một cách liên tục xuyên suốt cuộc đời mình, chứ không phải chỉ trong một lần cụ thể.
Xem thêm >>> TỈNH THỨC
Nhu cầu giành quyền “kiểm soát” không chỉ có liên quan mật thiết mà còn bao hàm nhiều vấn đề cốt lõi khác của đời sống như quyền lực, sợ hãi mất kiểm soát, sự phụ thuộc / tự lập, lòng tin, việc trải nghiệm các cảm xúc (đặc biệt là sự tức giận), cảm nhận về bản thân và sự hổ thẹn, hành xử tự nhiên, tự chăm sóc bản thân, lối tư duy “tất cả hay là không”, và cuối cùng là những kỳ vọng về bản thân cũng như về người khác. Rất nhiều người gặp khó khăn trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng của cuộc sống. Tuy nhiên, thông thường, họ vẫn tin rằng mình đã vượt qua cũng như kiểm soát được tất cả vấn đề và rắc rối. Họ thậm chí còn tự tin rằng mình nắm toàn quyền kiểm soát vận mệnh cuộc đời.
Thật khó để hiểu rằng chúng ta không thể kiểm soát cuộc đời bởi lẽ quyền năng và sự bí ẩn của nó vượt xa phạm vi hiểu biết của ta, dù ta có làm bất cứ điều gì đi chăng nữa. Cuộc đời không thể bị kiểm soát bởi vì nó quá phong phú, ngẫu nhiên, lắt léo để chúng ta có thể hiểu nó một cách trọn vẹn, chứ chưa nói đến việc dùng suy nghĩ và cái tôi giả đầy ham muốn kiểm soát của mình để điều khiển nó.
Có một con đường giải phóng chúng ta khỏi những đau khổ là hậu quả của ham muốn kiểm soát mãnh liệt của mình – đó là sự buông bỏ để dần dần trở thành người cùng kiến tạo cuộc sống. Đây chính là khía cạnh tâm linh thực hiện vai trò cứu rồi đầy quyền năng trong quá trình hàn gắn của chúng ta.
Chúng ta có thể giải quyết sự ám ảnh về sự kiểm soát của mình bằng cách tìm hỗ trợ từ những người đáng tin cậy và học cách buông xả. Dân dần, ta sẽ khám phá ra cái Tôi đích thực của mình, và đó chính là lúc ta bắt đầu lại cảm thấy mình sẽ thực thụ được sống.
(Trích từ sách Chữa Lành Đứa Trẻ Bên Trong Bạn, tác giả Charles Whitefileld)