Vào khoảng năm 1986, một nữ học giả Phật Học đến thăm tôi và nói: “Thưa Thầy, Thầy đã sáng tác nhiều bài thơ rất hay. Nhưng Thầy đã để ra nhiều thì giờ để trồng rau, trồng cải. Tại sao Thầy không dành tất cả thì giờ của Thầy để sáng tác thêm nhiều bài thơ nữa?” Nữ học giả này có lẽ đã đọc đâu đó rằng tôi thích làm vườn, trồng rau và trồng cải. Bà ta, với ý nghĩ thực tế, có ý muốn khuyên tôi không nên phí thì giờ làm vườn mà chỉ nên dành thì giờ làm thơ.
Tôi trả lời. “Ngày bạn, nếu tôi không trồng rau, trồng cải, tôi sẽ không làm được thơ.” Đó là sự thật. Nếu không sống trong chánh niệm, nếu không sống sâu sắc từng giây phút của cuộc sống hằng ngày thì không thể viết được gì, không sáng tác được gì có giá trị để cống hiến.
Một bài thơ là một bông hoa bạn hiến tặng cho người khác. Một cái nhìn từ bi, một nụ cười, một cử chỉ đầy thương yêu, tất cả là những bông hoa mọc ra trên cành cây chánh niệm và thiền định. Mặc dầu ta không hề nghĩ tới bài thơ trong khi nấu một bữa ăn cho gia đình, bài thơ vẫn đang được sáng tác. Khi tôi viết một câu truyện ngắn, một cuốn tiểu thuyết hay một kịch bản, tôi cần nhiều tuần lễ mới hoàn tất. Nhưng câu chuyện hay cuốn tiểu thuyết luôn luôn có mặt ở đó. Cũng vậy, mặc dầu bạn không nghĩ tới bức thư mà bạn muốn viết cho người thương, bức thư vẫn đang được viết ra, từ trong sâu thẳm của tâm thức.
Bạn không thể ngồi xuống bàn và chỉ làm có một việc là viết lên câu chuyện hay cuốn tiểu thuyết. Bạn phải làm công kia việc nọ. Bạn uống trà, nấu ăn, giặt áo, tưới rau. Thời gian mà bạn uống trà, nấu ăn, giặt áo, tưới rau vô cùng quan trọng. Bạn phải làm những việc đó cho đàng hoàng, cho hết lòng. Bạn phải đầu tư một trăm phần trăm vào việc uống trà, nấu ăn, giặt áo, tưới rau. Bạn làm những việc đó trong niềm vui, để hết tâm ý vào công việc. Điều này rất quan trọng cho câu chuyện, cho bức thư mà bạn muốn viết cho người thương hay cho bất cứ gì mà bạn muốn sáng tác.
Giác ngộ không thể tách rời chuyện rửa bát, trồng rau. Vậy thì pháp môn tu tập của chúng ta là sống từng giây phút của cuộc sống hằng ngày trong chánh niệm và thiền định. Một tác phẩm nghệ thuật được thai nghén và hình thành chính trong những lúc như thế của cuộc sống hằng ngày. Lúc bạn bắt đầu viết xuống một bài thơ hay là một bản nhạc chỉ là để bài thơ hay bản nhạc được sinh ra, để cho em bé ra chào đời. Em bé đó phải có sẵn trong bạn thì bạn mới có thể đưa em ra chào đời. Nếu em bé không ở trong bạn thì cho dầu bạn có ngồi đó hằng giờ bạn cũng sẽ không có gì để cống hiến, bạn không thể sáng tác được gì. Tuệ giác, từ bi, khả năng viết nên những gì có thể gây cảm hứng cho người khác là những đoá hoa nở ra trên cành cây thực tập. Hãy sử dụng khéo léo mỗi giây phút của cuộc sống hằng ngày để cho tuệ giác đó, từ bi đó bừng nở.
Xem thêm >>> BA YẾU TỐ CỐT LÕI CỦA MỌI MỐI QUAN HỆ THÀNH CÔNG
Một bà mẹ đang mang thai chắc sẽ rất sung sướng mỗi khi nghĩ tới thai nhi trong bụng. Thai nhi mặc dầu chưa được sinh ra nhưng cho mẹ rất nhiều niềm vui. Bất cứ giờ phút nào trong ngày mẹ cũng nhớ đến sự có mặt của thai nhi trong mình, cho nên nhất cử nhất động lòng mẹ tràn ngập yêu thương bởi vì mẹ biết rằng không có tình thương của mẹ thì thai nhi không thể khoẻ mạnh được. Mẹ luôn luôn cẩn thận, biết rằng một cử chỉ sai lầm, biết rằng hút thuốc, uống rượu thì sẽ gây hại cho em bé thai nhi. Vì vậy một bà mẹ đang mang thai luôn luôn sống rất mực chánh niệm, luôn luôn sống trong tâm niệm yêu thương.
Hành giả thiền tập phải hành xử như một bà mẹ. Ta biết rằng ta muốn sáng tạo, muốn cống hiến cho nhân loại, cho đời một cái gì. Mỗi chúng ta mang trong người một em bé thai nhi – em bé Bụt, và ta có thể hiến tặng cho đời em bé Bụt trong ta. Vì vậy ta phải sống trong chánh niệm để chăm sóc em bé Bụt trong ta.
Chính nhờ năng lượng của Bụt trong ta mà ta có thể viết được bức thư tình đích thực và hoà giải được với người khác. Một bức thư tình đích thực phải được viết bằng tuệ giác, hiểu biết và từ bi. Nếu không thì đó không phải là một bức thư tình. Một bức thư tình có thể chuyển hoá người khác và từ đó chuyển hoá cả thế giới. Nhưng trước khi bức thư ấy có thể chuyển hoá người khác thì nó phải chuyển hoá chính tự tâm. Thời gian cần để viết bức thư ấy có thể là cả một đời người.
(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)