VỚI TÂM TỪ BI BẠN SẼ KHÔNG PHẠM LỖI LẦM

Bạn có thể phạm lỗi lầm khi bạn quên đi là người kia đang khổ. Bạn có xu hướng nghĩ rằng chỉ có một mình mình khổ, còn người kia đang thích thú khi thấy mình khổ. Bạn sẽ nói những câu phũ phàng, làm những điều tệ bạc khi bạn tin như vậy. Ý thức rằng người kia cũng đang khổ , còn giúp bạn thể hiện vai trò của Bồ Tát Lắng Nghe. Tâm từ bi được thắp sáng và bạn có thể giữ tâm từ bi trong thời gian lắng nghe. Bạn sẽ là nhà tâm lý trị liệu giỏi nhất của người kia.

Trong khi người kia nói, có thể là người ấy sẽ lý luận, trách móc và có ý trừng phạt. Có thể là người ấy nói giọng chua chát, bất cần. Nhưng tâm từ bi còn đó trong bạn, bạn sẽ không nao núng. Giọt nước từ bi vô cùng linh nghiệm. Nếu quyết tâm thắp sáng tâm từ bi thì bạn sẽ được bảo vệ. Dầu cho người kia có nói gì đi chăng nữa thì bạn cũng không khởi tâm sân hận, bực dọc, bởi vì tâm từ bi là linh dược chống sân hận. Không có gì có thể dập tắt sân hận ngoài tâm từ bi. Bởi vậy, thực tập từ bi là một phép thực tập rất mầu nhiệm.

Từ bi chỉ có mặt khi hiểu biết có mặt. Hiểu biết gì? Hiểu rằng người kia đang đau khổ và ta phải giúp đỡ. Nếu ta không giúp người ấy thì ai giúp bây giờ? Khi lắng nghe người kia bạn có thể nhận thấy người kia có rất nhiều tri giác sai lầm trong khi nói. Tuy nhiên, bạn vẫn giữ tâm từ bi vì bạn biết rằng người kia là nạn nhân của tri giác sai lầm. Nếu bạn muốn cải chính, bạn có thể cắt ngang không cho người ấy nói tiếp và bộc lộ hết tâm tư. Vậy thì bạn phải ngồi yên và lắng nghe với tất cả chú tâm, với tất cả thiện chí. Lắng nghe như thế có tác dụng chữa trị rất lớn.

Xem thêm >>> KIÊN NHẪN LÀ CHỨNG TÍCH CỦA TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC

Nếu muốn sữa chữa tri giác sai lầm của người kia thì nên đợi đúng lúc. Khi lắng nghe, bạn chỉ có một mục đích: để cho người kia có cơ hội nói ra tất cả tâm tư sâu kín tự đáy lòng. Bạn sẽ không nói gì hết. Tối Thứ Sáu này là cơ hội để cho người ấy nói. Bạn chỉ lắng nghe. Có thể là trong vài ngày nữa, khi người kia cảm thấy dễ chịu hơn, bạn sẽ cho người kia những dữ kiện để giúp người ấy sửa đổi tri giác sai lầm. “Em ạ, những điều em nói hôm trước sự thật không phải xảy ra như vậy đâu. Chuyện xảy ra như thế này…” Nhớ dùng ái ngữ khi sửa đổi tri giác sai lầm của người kia. Nếu cần thì nhờ một ai đó đã biết đích xác sự tình giải thích dùm để người kia loại bỏ được tri giác sai lầm.

(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *