Rất nhiều người trong chúng ta đang có một em bé bị thương tích ở trong mình. Thương tích đó có thể là do cha mẹ trao truyền lại. Cha hay mẹ cũng có thể đã bị thương tích khi còn nhỏ. Vì cha mẹ không biết cách chữa trị em bé bị thương tích của thời ấu thơ cho nên đã truyền lại thương tích ấy cho ta. Nếu ta không biết cách chữa trị cho em bé bị thương tích trong ta thì ta sẽ trao truyền những thương tích ấy cho con, cho cháu. Vì vậy mà ta phải trở về với em bé bị thương tích trong ta mà tìm cách chữa trị.
Em bé bị thương tích trong ta rất cần được lưu tâm. Từ sâu thẳm của tâm thức ta, em bé mời gọi ta chú ý. Nếu có chánh niệm ta sẽ nghe được tiếng kêu cứu của em và ta sẽ trở về ôm ấp em bé thương tích trong ta “Thở vào, tôi sẽ trở về ôm ấp em bé thương tích trong tôi. Thở ra, tôi sẽ chăm sóc em bé bị thương tích trong tôi.”
Xem thêm >>> TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TỰ DO
Muốn chăm sóc bản thân, ta phải trở về chăm sóc em bé thương tích trong ta. Mỗi ngày ta phải thực tập trở về với em. Phải ôm ấp em trong nâng niu, hiền dịu như người anh cả, người chị cả. Hãy thì thầm tâm sự với em bé bị thương tích ấy. Bạn có thể viết vài ba trang thư cho em để nói cho em biết rằng bạn biết là em đang có đó và hứa sẽ chăm sóc thương tích của em.
Khi nói đến hạnh lắng nghe với tâm từ bi, ta cứ nghĩ rằng lắng nghe chỉ là lắng nghe một người khác. Nhưng ta cũng phải lắng nghe em bé bị thương tích trong ta nữa. Em bé bị thương tích có mặt trong ta ngay trong giây phút này đây. Và ta có thể chữa lành em bé ngay trong giây phút này. “Này em bé bị thương tích, tôi đang có mặt cho em và đang lắng nghe em. Em hãy nói cho tôi nghe tất cả niềm đau nổi khổ của em. Tôi đang lắng nghe em chăm chú.” Nếu bạn dành ra năm mười phút mỗi ngày lắng nghe em bé thì sự chữa trị sẽ có kết quả. Mỗi khi dạo chơi cảnh đẹp đồi cao bạn hãy mời em bé cùng dạo chơi. Mỗi khi ngắm ánh chiều tà rực rỡ bạn hãy mời em bé cùng ngắm. Làm như vậy trong vài tuần hay vài tháng thì thương tích trong em bé lần lần sẽ được chữa lành. Đó là diệu dụng của năng lượng chánh niệm.
(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)