Ngày nay người ta hay dùng danh từ “chính sách”. Cài gì cũng chính sách này, chính sách nọ. Tôi đã nghe phong phanh rằng các nước tự gọi là tiến bộ đang bàn tính về chính sách đưa các đồ phế thải rác rến của họ bỏ bên các nước của thế giới thứ ba. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có một chính sách để đối diện với những khổ đau của chúng ta. Đau khổ không phải không có ích. Cho nên ta phải biết sử dụng khổ đau thế nào để có lợi cho ta và cho người khác.
Chúng ta cần có một chính sách để đối diện với những khổ đau của chúng ta
Thế kỷ thứ hai mươi có quá nhiều khổ đau: hai cuộc đại chiến tàn khốc, những trại tập trung thời Đức quốc xã, những cuộc thảm sát ở Cam Bốt, những trận đói lớn… Cho nên chúng ta cũng cần có một chính sách cho những loại phân rác này.
Chúng ta phải dùng những khổ đau của thế kỷ hai mươi làm phân bón cho những cây hoa được mọc lên trong thế kỷ hai mươi mốt. Khi ta thấy được những hình ảnh thảm khốc tại những trại tập trung của Đức quốc xã, ta rùng mình sợ hãi. Ta nói: “Không bao giờ tôi nhúng tay vào những công việc tương tự. Chỉ có họ mới nhẫn tâm làm điều đó.” Nhưng nếu ta có mặt ở đó, có thể đã cũng sẽ bị lôi kéo làm y như vậy, hoặc là ta sẽ hèn nhát đến nỗi không dám lên tiếng ngăn cản điều đó. Đó là điều đã xảy ra cho nhiều người. Cho nên ta phải dùng tất cả những kinh nghiệm đau thương này làm phân bón cho đất đai tương lai được màu mỡ, cho thế kỷ hau mươi mốt có được nhiều hoa thơm.
Ở Đức hiện nay, giới trẻ có mặc cảm là dân tộc họ có trách nhiệm về những cuộc tàn sát thời chiến tranh. Những người có trách nhiệm nên cùng nhau xám hối để thế hệ tương lai tránh được những lỗi lầm cũ và biết chọn một đời sống tỉnh thức hơn. Một trong những đóa hoa cần phải được vun trồng tưới tẩm cho giới trẻ của thế kỷ hai mươi mốt là biết chấp nhận sự khác biệt giữa các nền văn hóa. Đóa hoa thứ hai là khả năng nhận diện được sự có mặt của những khổ đau, có những khổ đau quá vô ích trong xã hội hiện nay.
Những người có trách nhiệm nên cùng nhau xám hối để thế hệ tương lai tránh được những lỗi lầm cũ
Nếu chúng ta thực tập muốn học hỏi với nhau, chúng ta nên ngồi lại với nhau để kiểm điểm những lỗi lầm cũ. Với hiểu biết và thương yêu, chúng ta có thể mở một con đường sáng và hiến tặng một khu vườn đẹp cho thế kỷ hai mươi mốt.
Ta hãy cầm tay một em bé và mời em ra ngồi với ta ngoài bãi cỏ. Ta và em hãy cùng ngắm cỏ xanh, ngắm những đóa hoa nhỏ mọc trên cỏ. Rồi nhìn trời cao, thở và mỉm cười. Bằng cách đó, ta dạy cho em biết sống an lạc, biết thưởng thức những vẻ đẹp xung quanh và không cần phải chạy đuổi theo một cái gì khác.
Hạnh phúc ở trong tầm tay của ta, trong từng phút giây, trong từng hơi thở, trong từng bước chân.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh